Tết "mồng 5 tháng 5" vì ngày hôm đấy chuôi sao Đẩu chỉ ngay vào phương Ngọ cho nên gọi là ngày Đoan Ngọ (chính Ngọ).
Tháng ấy khí âm gần thịnh, hay có bệnh lệ khí. Từ xưa đến nay, đến ngày Tết ấy thì lấy lá ngải cứu kết làm hình người hay là hình hổ treo ở trước cửa, người lớn uống rượu xương bồ, trẻ con bôi thuốc hùng hoàng vào người, đeo chỉ ngũ sắc, nhuộm móng tay để trừ khí độc. Buổi sáng ăn rượu nếp, mấy thứ hoa quả chua, chát gọi là giết sâu bọ. Buổi trưa dân quê thì làm xôi chè cúng thần nông, thổ địa, Nhà nước thì tế lễ ở đàn xã tắc. Đến giờ Ngọ các nhà đua nhau đi lấy các thứ lá vằng, lá vối, lá ổi, lá sim đem về phơi khô để làm chè uống nước quanh năm, gọi là chè mồng 5.
Một sự tích khác: Đời Xuân Thu ở bên Tàu, Khuất Nguyên là bầy tôi trung thành thờ Vua nước Sở. Gặp phải ông vua ngu tối, hay yêu kẻ gian nịnh mà ghét người trung nghĩa. Khuất Nguyên sợ nhà Vua cứ như thế mãi thì nước sẽ loạn, tìm lời can gián nhưng Vua không nghe lại còn bị đầy ra làm quan ở biên hải. Khuất Nguyên làm bài phú Ly Tao, dâng lên hy vọng Vua sẽ nghĩ lại nhưng Vua cũng chẳng sửa chữa. Tức mình, ngày 5 tháng 5 Khuất Nguyên buộc đá vào người nhảy xuống sông Mịch La tử tiết. Đời bây giờ ai cũng thương cho Khuất Nguyên là trung thần mà phải chết, nên từ đó, hễ đến ngày 5 tháng 5 người ta lại chở đò đem bánh thả xuống sông để cúng Khuất Nguyên.
Dưới triều Gia Long, năm 1813, Nguyễn Du dẫn đầu đoàn cống sứ sang nhà Thanh, ông thấy vua Gia Khánh nhà Thanh vẫn là một vị hôn quân tàn ngược, nhân dân Trung Hoa vẫn đói khổ lầm than. Khi đến làm lễ chiêu hồn cho Khuất Nguyên ở sông Mịch La trong bài văn tế có câu "Hồn ơi! Hồn hề! Hồn ơi! Đừng về! Trên mặt đất đâu cũng là sông Mịch La".