|
Hoạt náo viên và điều phối viên của Nhà Văn hóa Thanh niên tỉnh hướng dẫn các học sinh bài dân vũ “té nước” của Thái Lan trong chương trình “Học làm người có ích” |
Dân vũ là điệu nhảy từ dân gian mà mọi người đều có thể tham gia, không phân biệt lứa tuổi, nghề nghiệp… Nhiều điệu nhảy nổi tiếng từ các nước như Brazil, Argentina, Thái Lan, Philippines, Malaysia… đã trở nên phổ biến trong các chương trình sinh hoạt đội, nhóm. Từ đầu năm 2012, dân vũ trở nên phổ biến hơn khi Nhà Văn hóa Thanh niên tỉnh đưa chương trình “Học làm người có ích” đến các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Tham gia một chương trình “Học làm người có ích” do Nhà Văn hóa Thanh niên tỉnh tổ chức tại một trường PTTH trong thành phố, chúng tôi có dịp được hòa mình cùng những vũ điệu dân gian đẹp mắt, dễ thương và sôi động của nhiều quốc gia trên thế giới. Âm nhạc vang lên, hàng trăm học sinh, sinh viên cùng các điều phối viên của chương trình “Học làm người có ích” bắt đầu thực hiện những bài nhảy sôi động Cà chua trong lễ hội ném cà chua ở Tây Ban Nha, bài Té nước trong lễ hội té nước ở Thái Lan với những động tác đơn giản nhưng cuốn hút. Tiếp đó là bài Rasa Sayang của Malaysia thể hiện việc tìm một người bạn trên xe buýt, bài dân vũ Soran Bushi của Nhật Bản nói về cuộc đấu tranh với quái vật… hay bài Uy vũ của Việt Nam thể hiện nền văn minh lúa nước và săn bắt hái lượm.
Nguyễn Thị Mỹ Điệp, sinh viên năm 3 khoa kinh tế trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu, cộng tác viên của Nhà Văn hóa Thanh niên tỉnh cho biết, trước khi tham gia khóa “Học làm người có ích”, các điều phối viên được học những bài dân vũ cơ bản của các nước. Dân vũ có nhiều dạng, có những bài rất bình dị, rất dễ học nhưng cũng có những bài phức tạp với nhịp và tiết tấu nhanh, mạnh hơn, đòi hỏi thể lực nhiều hơn. “Học dân vũ không chỉ để nhảy giải trí, rèn luyện sức khỏe mà còn học giá trị văn hóa trong đó. Nếu vừa học nhảy vừa tìm hiểu thêm về nội dung và ý nghĩa động tác sẽ có thêm nhiều kiến thức”, Điệp chia sẻ.
Còn anh Nguyễn Hoàng Hữu, cán bộ Nhà Văn hóa Thanh niên tỉnh, phụ trách chương trình “Học làm người có ích” đồng thời cũng là giáo viên dạy nhảy dân vũ tại Nhà Văn hóa Thanh niên, cho biết, dân vũ là một loại hình nhảy thư giãn, khi nhảy với niềm đam mê, sự mệt nhọc tan biến, kèm theo là một trạng thái tinh thần sảng khoái. Theo anh Hữu, dân vũ ở mỗi nước có một đặc điểm riêng và mang dấu ấn lịch sử, văn hóa của đất nước đó, vì mỗi bài là một câu chuyện, một hoạt động, lễ hội hay mô hình văn hóa đặc trưng. Nó mang tính cộng đồng, có thể có tác giả hoặc do lưu truyền và hoàn thiện qua các thế hệ. Ở Việt Nam, tiết tấu dân vũ hơi chậm nhưng mang âm hưởng hào hùng của dân tộc và có tính kết nối cao. Nổi bật là bài Uy vũ, một sự tổng hợp tất cả những điệu nhảy, thể hiện văn hóa và lịch sử dân tộc. Ngoài ra, một số bài dân vũ khác như Trống cơm, Con cào cào cũng được nhiều bạn trẻ yêu thích. “Trong dân vũ, nhớ động tác để nhảy theo không khó nhưng khó ở chỗ phải hiểu nội dung và ý nghĩa động tác. Vì có hiểu mới nhảy đúng và đam mê hơn, nếu không người nhảy dễ thích nhưng cũng dễ quên và dễ chán”, anh Hữu nói.
Đầu năm 2012, khi chương trình “Học làm người có ích” được Nhà Văn hóa Thanh niên tỉnh tổ chức tại các trường THCS, PTTH trên địa bàn tỉnh, thì những bài dân vũ cũng bắt đầu lan tỏa mạnh trong các buổi sinh hoạt đội nhóm, thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Phạm Quang Vũ, học sinh trường THPT Vũng Tàu cho biết: “Dân vũ là hình thức tập hợp thanh niên thế hệ mới, bật nhạc là cùng nhảy, khi dừng nhạc mọi người gọi thêm bạn bè đến nhảy nên sẽ kết nối bạn bè rất nhanh. Những động tác trong các bài dân vũ rất dễ thuộc trên một nền nhạc khi hào hùng, sôi động, khi nhịp nhàng, da diết. Vì vậy, không chỉ em mà nhiều bạn học sinh khác đều thích”.
SONG THƯ