TT - Với tỉ lệ thu thuế, phí trên GDP mức 26,3% mà báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa công bố, nhiều chuyên gia cho rằng thuế, phí cao đã triệt tiêu động lực tái đầu tư của người dân.
Phóng to |
Sản xuất tủ điện tại Công ty cổ phần Sáng tạo công nghiệp ở Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp, Q.12, TP.HCM - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Các văn bản của Bộ Tài chính cũng như đánh giá của các chuyên gia đều cho thấy thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của VN cần phải giảm xuống.
Nộp từ 25-30%
"Không thể chần chừ nữa, tốt nhất là nên giảm mạnh và giảm ngay thuế TNDN xuống mức 20% hoặc 17% để doanh nghiệp dễ thở, có nguồn tái đầu tư vào sản xuất kinh doanh" |
Theo ông Phạm Thế Anh - quyền viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách công và quản lý Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, người viết chương 2 báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, mức thu từ thuế và phí, không kể thu từ dầu thô, của VN hiện nay “rất cao so với các nước khác trong khu vực”. Ông Phạm Thế Anh dẫn chứng thu từ dầu thô đang có tỉ trọng ngày càng giảm dần trong tổng thu ngân sách nhà nước, từ khoảng 6,9% GDP trong năm 2007 xuống còn chưa đầy 3,1% GDP trong năm 2011. Trong khi thu ngân sách ngay cả trong năm kinh tế suy giảm vẫn tăng, ông Thế Anh cho rằng: “Điều này chứng tỏ tỉ trọng các khoản thu khác (trong đó có thuế TNDN - pv) đang ngày càng gia tăng”. Còn theo báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009 mà Bộ Tài chính đã công bố, trong tổng thu từ thuế, phí khoảng 418.000 tỉ đồng thì thu từ thuế TNDN đã lên tới 112.100 tỉ đồng.
Phân tích quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm của Bộ Tài chính, ông Phạm Thế Anh cho rằng tổng thu thuế và phí của VN đang chủ yếu đến từ ba nguồn chính, gồm: thuế giá trị gia tăng, thuế TNDN, thuế xuất nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt đối với hàng nhập khẩu. Trong đó tỉ trọng thuế TNDN vẫn chiếm tới 28% trong tổng thu từ thuế, phí của Nhà nước giai đoạn 2009-2011. Ông Thế Anh cho rằng tổng mức thu thuế của VN cao đã hạn chế khả năng tích lũy, làm giảm đầu tư phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân.
Luật sư Trương Thanh Đức, chủ tịch Công ty luật Basico, cho biết cách đây năm năm đã đề nghị giảm mức thuế TNDN. Theo ông Đức, thuế hiện nay của VN không chỉ cao về mức thuế mà còn bị “chặn đầu chặn đuôi, dùng hàng rào kỹ thuật để tăng thu”. Cụ thể với thuế TNDN, mức thuế hiện là 25% nhưng ở nhiều nước các chi phí hợp lý được trừ khi tính thuế “rộng” hơn, còn VN thì khống chế, như chi phí quảng cáo, tiếp thị chỉ được phép 10% tổng chi phí. “Điều này có nghĩa nhiều doanh nghiệp ở VN có thực chi lớn nhưng cũng không được tính, nên nhiều khi thật ra họ lỗ nhưng vẫn được coi là lãi và vẫn... phải đóng thuế” - ông Đức nhấn mạnh.
Bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, cho rằng ở VN thuế suất là một chuyện nhưng khi thực thi số thuế phải nộp cao hơn nhiều. “Nhìn vào luật thì tưởng chừng đơn giản nhưng tại các văn bản hướng dẫn thì vô vàn các văn bản là thông tư, công văn hướng dẫn”. Bà Lan nhận định mức thuế TNDN của VN về mặt chính thức là 25%, nhưng thực tế số tiền thuế mà hầu hết doanh nghiệp phải nộp là trên 25%, thậm chí lên 30% đối với một số lĩnh vực. “Bởi căn cứ để tính thuế, chi phí hợp lý, hợp lệ đáng lẽ được khấu trừ nhưng người đi thu thuế lại không công nhận. Ở các nước giảm trừ đi nhiều lĩnh vực, như đóng góp xã hội chẳng hạn, còn ở VN cơ quan thuế vẫn tính vào” - bà Lan nói.
Giảm để khuyến khích đầu tư
Tại hội thảo về thuế tiêu thụ đặc biệt và TNDN vào tháng 8-2012, ông Nguyễn Văn Phụng, vụ phó Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính, thừa nhận các quy định trong Luật thuế TNDN về định mức khấu hao không phù hợp thực tiễn, tính khả thi thấp... “Trong thực tế doanh nghiệp có thể phải chi phí khi mua bán với các cá nhân không kinh doanh, với kinh tế hộ gia đình... nên không thể có hóa đơn để tính chi phí hợp lý được trừ thuế” - ông Phụng nói.
Trong văn bản “Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020” do Bộ Tài chính trình và đã được Thủ tướng phê duyệt, bộ này đã đề nghị giảm mức thuế TNDN. Tuy nhiên, mức giảm rất từ từ, chỉ giảm xuống khoảng 22-23% vào năm 2015, sau đó đến tận 2020 mới giảm xuống còn khoảng 20%. Văn bản cũng cho rằng việc điều chỉnh giảm mức thuế TNDN sẽ giúp thu hút đầu tư, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy để đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh...
Tư vấn cho VN sửa đổi Luật thuế TNDN, ông Ved P. Gandhi, chuyên gia thuế quốc tế của Ngân hàng Thế giới, cho rằng các nước đang có xu thế giảm mạnh thuế suất nhằm khuyến khích đầu tư. Tại các nước châu Âu, thuế suất bình quân giảm 33% năm 2000 xuống 25% năm 2011, riêng lĩnh vực phi tài chính thì thuế suất chỉ 21%. Gần đây, nhiều nước và lãnh thổ trong khu vực đang có kế hoạch giảm mạnh thuế suất thuế TNDN xuống hơn nữa. Singapore chỉ còn 17%, Đài Loan hiện có mức thuế 23% và dự kiến sẽ giảm còn 20% vào năm 2013...
Ông Ved P. Gandhi khuyến nghị VN nên cải cách phù hợp với những thông lệ quốc tế như không hạn chế các khoản chi phí sản xuất kinh doanh được trừ.
Với tỉ lệ thu thuế, phí trên GDP tới 26,3%, ông Trương Thanh Đức đề nghị cần giảm xuống tương đồng với các quốc gia trong khu vực. Bởi mức thu thuế, phí trên GDP tới 26,3%, theo ông Đức, có nghĩa người dân làm ra tổng giá trị 10 đồng, chưa biết họ lãi được bao nhiêu, Nhà nước đã thu tới hơn 1/4. “Khi tình trạng trốn thuế phổ biến thì phải nghĩ ngay đến thuế đang quá cao. Tôi nghĩ nếu thuế, phí hợp lý hơn, doanh nghiệp sẽ vui vẻ đóng thuế, không tìm mọi cách lách như hiện nay” - luật sư Đức nhấn mạnh.