|
Tại nơi quy hoạch - xây dựng công trình Bệnh viện đa khoa Vũng Tàu vẫn còn 3 hộ dân chưa đồng ý nhận tiền bồi thường. |
Đến đầu tháng 10, tiến độ triển khai của nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn TP.Vũng Tàu rất chậm do những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.Bệnh viện đa khoa khu vực Vũng Tàu dù đã khởi công cuối tháng 11-2011, nhưng đến nay vẫn đang trong giai đoạn thi công san nền, có nơi chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Việc chi trả tiền bồi thường dự án này cũng rất chậm. Đợt 1, dự tính số tiền bồi thường là 59 tỷ đồng, nhưng chỉ chi trả được 8 tỷ đồng cho 5 hộ dân, 32 hộ còn lại không nhận tiền bồi thường. Đợt 2 còn 3 hộ chưa chi trả được do vắng chủ với kinh phí khoảng 2 tỷ đồng chưa phê duyệt.
Dự án Trung tâm Hành chính TP. Vũng Tàu đến nay chưa khởi công được do còn hơn 100 hộ dân chưa đồng ý nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng. Theo quy định, ngoài mức bồi thường đất nông nghiệp, các hộ còn được hỗ trợ 50% đất ở theo từng vị trí đối với diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi, nhưng diện tích đất được hỗ trợ không quá 750m2. Việc thực hiện quy định này phát sinh một số hộ dân khiếu nại về giá đất bồi thường và hạn mức đất nông nghiệp được hỗ trợ. Ngoài ra, có một số hộ dân đang sử dụng đất nông nghiệp nhận chuyển nhượng bằng giấy tay sau ngày 1-7-2004 từ các chủ đất có diện tích hơn 750m2 đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) sau đó chia tách thành nhiều thửa để sang nhượng, không cho kiểm kê vì không được nhận tiền hỗ trợ.
Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều dự án trọng điểm của TP.Vũng Tàu gặp vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Theo Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Vũng Tàu, hiện tại thành phố có 42 dự án đã và đang tiến hành khảo sát giá đất để áp giá bồi thường. Trong đó, 3 dự án đã được UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt giá đất là: Trung tâm hành chính TP.Vũng Tàu; Bệnh viện Đa khoa Vũng Tàu và Khu du lịch Biển Xanh; 7 dự án đã có chứng thư thẩm định giá và UBND TP. Vũng Tàu có tờ trình đề xuất giá đất, 27 dự án đã tổ chức khảo sát, đang xây dựng dự thảo chứng thư thẩm định giá và 5 dự án chưa triển khai khảo sát giá.
Được biết, không chỉ tại TP.Vũng Tàu mà ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, phần lớn các khiếu nại đều do người dân không đồng tình với mức giá bồi thường, hỗ trợ. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa bảo đảm sự công bằng đối với các hộ dân có đất bị thu hồi khi áp dụng chính sách hỗ trợ theo Điều 21, Nghị định 69/2009/NĐ-CP. Cụ thể là các trường hợp sử dụng đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở trong khu dân cư, hoặc có nhà ở riêng lẻ; nhà ở dọc kênh mương và dọc tuyến đường giao thông thì ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp trồng cây lâu năm còn được hỗ trợ bằng 30-70% giá đất ở của thửa đất đó nhưng diện tích được hỗ trợ không quá 5 lần hạn mức giao đất ở tại địa phương”. Tuy nhiên, trên thực tế đất nông nghiệp trong khu dân cư tại địa bàn tỉnh có nguồn gốc từ gia tộc để lại rất lớn và người dân cũng chưa có nhu cầu tách thửa. Những trường hợp diện tích đất lớn hơn 5 lần hạn mức đất ở, khi áp dụng mức hỗ trợ theo Điều 21 của Nghị định 69/CP sẽ không được hỗ trợ. Điều này dẫn đến mất công bằng giữa người có phần diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi lớn và người có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi bằng hoặc nhỏ hơn 5 lần hạn mức đất ở.
Trước tình hình giải phóng mặt bằng ở TP.Vũng Tàu cũng như nhiều địa phương khác gặp vướng mắc, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị lên Chính phủ và mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã cho phép Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được tính mức hỗ trợ cho người bị thu hồi đất vào trong giá đất bồi thường cho toàn bộ diện tích đất bị thu hồi, không phân biệt trong và ngoài hạn mức đất ở đối với các dự án trên địa bàn tỉnh, theo đúng quy định tại Điều 23 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13-8-2009 của Chính phủ.