|
Ngoài vườn mãng cầu Xiêm 800 gốc, mỗi năm thu lãi hơn 150 triệu đồng, anh Trần Quốc Bảo (xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ) còn nuôi thêm 3 con bò thịt. |
Chỉ cần chăm chỉ, chịu khó và có quyết tâm, nhiều thanh niên dù vốn liếng ít ỏi cũng có thể vươn lên làm giàu.Gia đình anh Trần Văn Nên (tổ 13, ấp Tân Hòa, xã Long Tân), trước đây thuộc diện hộ nghèo chuẩn quốc gia. Năm 2009, được sự hỗ trợ của huyện Đoàn Đất Đỏ, anh vay số tiền 15 triệu đồng, mua 2 con bò sinh sản và được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò. Chăm chỉ làm ăn, đến năm 2011, đàn bò của anh đã phát triển thành 6 con, bán đi 4 con anh thu 73 triệu đồng. Có vốn, anh đầu tư trồng thêm 500 gốc mãng cầu xiêm và thuê thêm đất làm lúa. Vừa làm vừa học cách chọn giống, chăm sóc, phòng tránh bệnh cho cây trồng, bây giờ anh Nên có trong tay vườn mãng cầu rộng 6000m2, với 700 gốc mãng cầu và 3.000m2 đất trồng lúa. Mô hình chăn nuôi, trồng trọt của anh mỗi năm mang về khoản lãi 100-150 triệu đồng. “Giờ đây gia đình tôi đã thoát nghèo, hoàn trả vốn cho Ngân hàng chính sách xã hội - anh Nên cho biết.
Khi hỏi thăm chị Vũ Thị Ngọc Yến (tổ 7, ấp Phước Trung, xã Phước Long Thọ) mọi người đều khen: “Chị Yến chăm chỉ, trồng trọt giỏi…”. Hiện tại, chị Yến có vườn sương sâm rộng 3000m2. Cứ 20 ngày vườn sương sâm cho thu hoạch một lứa khoảng 200kg lá, giá bán 40 ngàn/kg, sau mỗi vụ (9 tháng), trừ chi phí chị Yến lãi trên 100 triệu đồng. Chị Yến cho biết: “Sương sâm là cây ăn lá, lá được vò ra lấy nước để đông. Nếu lạm dụng chất kích thích hoặc phân hóa học bón cho sương sâm thì khi vò nước lá sẽ không đông đặc, người mua không lấy...”.
Năm 2008, anh Trần Quốc Bảo (tổ 22, ấp Phước Thới, xã Phước Long Thọ) bỏ ra 5 triệu đồng đầu tư nuôi cá rô phi đơn tính với hi vọng vươn lên thoát ra khỏi cảnh khó khăn. Cá bắt đầu vào vụ thu hoạch thì trận lũ năm 2009 làm vỡ ao nuôi, mất trắng. Thiếu vốn, anh Bảo tính chuyện đi làm thuê. Đúng lúc đó, nhờ sự hỗ trợ của huyện Đoàn Đất Đỏ, anh Bảo được vay 15 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng chính sách xã hội huyện. Anh trồng 800 gốc mãng cầu xiêm nhưng vụ đầu không đem đến lợi nhuận. Không nản chí, anh tìm đến các gia đình đã trồng thành công mãng cầu xiêm để học thêm kỹ thuật chăm sóc. ở những vụ thu hoạch tiếp theo, vườn mãng cầu của anh rất sai quả. Đến nay, với 800 gốc mãng cầu mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ anh Bảo lãi trên 150 triệu đồng. Có lãi từ trồng mãng cầu, anh lại làm chuồng nuôi kỳ nhông giống, trung bình mỗi đợt bán kỳ nhông cũng kiếm được 20 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Yến, Bí thư huyện Đoàn Đất Đỏ cho biết, trong nhiều năm qua huyện Đoàn Đất Đỏ đã tạo điều kiện cho 628 đoàn viên, thanh niên vay 7 tỷ đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện. Với nguồn vốn đó, thanh niên trong huyện đã đầu tư vào các mô hình sản xuất, kinh doanh và thu được kết quả cao, nhiều thanh niên thoát nghèo và có mức thu nhập khá. Tuy nhiên, hiện nay nguồn vốn để phát triển kinh doanh, tạo việc làm cho thanh niên trong tỉnh vẫn còn thiếu. Vì vậy, trong thời gian tới huyện Đoàn sẽ tranh thủ thêm nhiều nguồn vốn để giúp thanh niên mở rộng sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.