|
Tăng cường hoạt động quản lý KHCN đến tận cơ sở là giải pháp quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Nhân viên Trạm Thông tin Khoa học và Công nghệ xã Long Sơn trong giờ làm việc |
Thời gian qua, hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc nâng cao dân trí cho người dân nông thôn, thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động KHCN trên địa bàn các huyện vẫn chưa được quan tâm đúng mức.Hiện nay, tại các huyện, hoạt động KHCN do Phòng Công thương hoặc Phòng Kinh tế hạ tầng đảm trách với hình thức kiêm nhiệm, trong đó, chủ yếu là hoạt động ứng dụng các thành tựu KHCN vào ngành nông nghiệp. Điều này đã bộc lộ bất cập bởi chức năng KHCN lại được đặt tại Phòng Công thương, Phòng Kinh tế hạ tầng. Chính vì sự bất cập đó nên thời gian qua, việc ứng dụng KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, công tác theo dõi quản lý cũng chưa xuyên suốt. Hiện nay, mỗi huyện chỉ được bố trí một cán bộ kiêm nhiệm theo dõi, quản lý nhà nước về hoạt động KHCN ở địa phương. Do kiêm nhiệm nên hầu hết các phần việc đều được triển khai sơ sài và kém hiệu quả. Mặt khác, do không có biên chế chuyên trách nên cán bộ kiêm nhiệm thường xuyên bị thay đổi, luân chuyển công tác, gây khó khăn cho công tác điều hành.
Ông Thái Quốc Việt, Phó Giám đốc Trung tâm tin học và Thông tin khoa học công nghệ cho biết, ở các tỉnh bạn, nguồn vốn duy trì hoạt động KHCN được Sở Tài chính phân bổ đến từng huyện, nhưng ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở Khoa học - Công nghệ phải tự xoay sở, phân bổ nguồn kinh phí này. Do nguồn kinh phí eo hẹp, thiếu thốn, dẫn đến tình trạng một số hoạt động KHCN trên các địa bàn huyện dở dang, hiệu quả còn hạn chế; Công tác quản lý còn yếu kém do không xây dựng được cơ sở hạ tầng riêng, cũng như cán bộ phụ trách chuyên môn riêng.
Ông Phạm Đức Dục, Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ cơ sở, Sở Khoa học - Công nghệ cho rằng, lĩnh vực KHCN đóng vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, cần quan tâm hơn đến hoạt động KHCN trên địa bàn các huyện. Trước mắt, cần tăng cường cán bộ KHCN cho huyện, quy định người phụ trách KHCN ở cấp địa phương phải là công chức nhà nước, được đãi ngộ thích đáng và gắn trách nhiệm thưởng phạt cụ thể, rõ ràng; xây dựng cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị đầy đủ, tạo môi trường làm việc thuận lợi cho đội ngũ cán bộ khoa học khi thực hiện các nội dung nghiên cứu khoa học trên địa bàn; xem xét việc phân cấp, phân quyền mạnh hơn giữa Sở Khoa học - Công nghệ và UBND huyện về quản lý KHCN ở địa phương; hình thành tổ chức và cơ chế quản lý hoạt động KHCN từ tỉnh đến huyện, đến xã/phường/thị trấn. Theo tổ chức hệ thống phân cấp này, các xã/phường/thị trấn có khả năng tự duy trì hoạt động của trạm KHCN, đồng thời luôn được hỗ trợ kịp thời về kỹ thuật và các điều kiện khác cho hoạt động.
Bài, ảnh: SƠN QUỲNH