|
Anh Lê Văn Thảo chăm sóc vườn bưởi da xanh của mình. |
Cây bưởi da xanh đã trở thành cây thoát nghèo của người dân xã Sông Xoài (huyện Tân Thành). Nhiều hộ dân trong xã đã đổi đời nhờ trồng bưởi da xanh và trong tương lai đây sẽ là loại cây trồng chủ lực ở địa phương này.
Anh Lê Văn Thảo (ở ấp Phước Bình, xã Sông Xoài) cho biết, sau nhiều vụ mất mùa cà phê, từ năm 2001 anh chuyển sang nghiên cứu trồng các loại cây ăn quả. Sau thời gian trồng thử nghiệm nhiều loại cây ăn quả, nhận thấy cây bưởi da xanh thích hợp với đất vườn nhà mình nên mỗi năm anh tăng dần diện tích và đến nay cây bưởi da xanh đã phủ khắp 2ha đất nhà anh. Từ đầu năm đến nay, anh đã thu được khoảng 10 tấn quả. Dự kiến trong năm nay, vườn bưởi của gia đình anh Thảo sẽ cho sản lượng khoảng 25 tấn. “Nếu bán được giá 25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi cầm chắc trong tay từ 400 – 500 triệu đồng”, anh Thảo vui vẻ khoe. Năm 2011 vừa qua, anh Thảo đã thu hoạch được hơn 20 tấn bưởi, thu lời hơn 300 triệu đồng. “Thu nhập từ trồng bưởi hơn hẳn với cà phê và tiêu, giá cả lại ổn định. Bởi vậy, bây giờ cây bưởi da xanh là cây thoát nghèo, làm giàu của bà con nông dân ấp Phước Bình chúng tôi đấy” - anh Lê Văn Thảo phấn khởi nói.
Đầu năm nay, anh Thảo trồng thêm 100 gốc bưởi da xanh. Bà con xung quanh thấy anh Thảo trồng bưởi có hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ cũng đang chuyển đổi sang trồng bưởi da xanh. Gần vườn bưởi của anh Thảo là vườn bưởi da xanh của anh Nguyễn Văn Tiên cũng đang thời kỳ cho trái. Bước vào vườn bưởi của anh Tiên, chúng tôi không khỏi ấn tượng bởi những hàng bưởi xum xuê, quả to tròn, vỏ xanh thẫm, căng mọng. Anh Tiên cho biết, hiện anh có 1,3ha đất trồng bưởi da xanh và năm roi, trong đó, bưởi da xanh chỉ có 200 gốc nhưng mỗi năm cho thu hoạch đến 6-7 tấn. Sau khi trừ chi phí, anh còn lãi khoảng 160 triệu đồng. “Bưởi da xanh cho thu hoạch quanh năm, nhưng sản lượng tập trung nhiều nhất vào đợt tháng 10 và Tết Nguyên đán, nên bán được giá cao” – anh Tiên nói.
Theo thống kê của UBND xã Sông Xoài, hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 42 hộ trồng bưởi da xanh với diện tích khoảng 34ha, chủ yếu tập trung ở ấp Sông Xoài 1 và ấp Phước Bình. Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Chủ tịch UBND xã Sông Xoài cho biết, việc phát triển cây bưởi da xanh trên địa bàn xã rất hiệu quả, tuy nhiên vẫn còn mang tính tự phát, manh mún và sản phẩm cũng chưa có nhãn hiệu riêng. Để mở rộng diện tích sản xuất ra sản phẩm hàng hóa có tính quy mô, ổn định thị trường và tăng khả năng cạnh tranh, UBND xã đã xây dựng đề án quy hoạch vùng chuyên canh bưởi da xanh trên địa bàn với diện tích tăng thêm khoảng 70ha. Dự kiến, đến cuối năm 2012, UBND xã sẽ tổ chức hội thảo đóng góp xây dựng hoàn thiện đề án. Thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh cũng đã khảo sát mô hình trồng bưởi da xanh ở xã và vận động bà con trồng bưởi tham gia thành lập HTX Bưởi da xanh Sông Xoài, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong việc tiếp cận khoa học kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Ông Phan Nhật Nam, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, việc xúc tiến thành lập HTX Bưởi da xanh Sông Xoài rất thuận lợi, dự kiến sẽ hoàn thiện các thủ tục và đi vào hoạt động vào cuối năm nay. “Việc thành lập HTX là tiền đề cho việc xây dựng vùng chuyên canh bưởi da xanh. Từ đó, sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững của cây bưởi da xanh và hướng tới xây dựng thương hiệu bưởi Bà Rịa – Vũng Tàu” - ông Phan Huy Vị, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sông Xoài cho biết.
Bài, ảnh: TRÚC GIANG