|
Một phần đường đi của các hộ dân đã bị ông Vũ Thủy Hử lấn chiếm trồng bắp. |
Một hộ dân bị nhổ trộm 24 gốc tiêu lươn (loại vừa ươm giống), trị giá chưa tới 100 ngàn đồng (theo giá thị trường là khoảng 3.000 đồng/gốc). Thế nhưng, 6 người dân đã “được” Công an xã mời lên làm việc với mục đích tìm ra thủ phạm. Sự việc này đã xảy ra tại ấp Xuân Trường, xã Sơn Bình (huyện Châu Đức), khiến cho không ít người dân nơi đây, bàn tán.Theo lời kể của các hộ dân, sáng 21-8-2012, 6 hộ dân đang sinh sống tại ấp Xuân Trường, xã Sơn Bình đều nhận được giấy mời của Công an xã Sơn Bình lên UBND xã làm việc. Tại phòng làm việc, mọi người được biết là do ông Vũ Thủy Hử, là một hộ dân có đất canh tác ở ấp Xuân Trường có đơn báo cáo việc vừa qua rẫy của ông bị nhổ trộm 24 gốc tiêu và ông Hử có nghi ngờ một trong 6 người dân này nhổ nên Công an xã phải mời họ lên làm việc. Tại phòng làm việc, 6 người dân đã phải trả lời rất nhiều các câu hỏi của công an viên và viết bản tường trình về thời điểm 24 gốc tiêu bị nhổ. Ông Vũ Xuân Phóng, một trong 6 người dân bức xúc cho biết: “Mời người dân lên để điều tra thì phải có nguyên nhân hoặc bằng chứng, nhưng chỉ vì sự nghi ngờ vô cớ của ông Hử mà Công an xã Sơn Bình đã chụp mũ “gọi” chúng tôi lên để lấy lời khai. Như vậy, chằng khác nào nghi ngờ chúng tôi nhổ trộm 24 gốc tiêu, ảnh hưởng tới uy tín của người dân”. Ông Trịnh Văn Tiến, một người dân khác cũng bày tỏ: “Một sự việc rất nhỏ, từ xưa tới nay chưa có người dân nào bị mất món tài sản chưa tới 100 ngàn đồng mà Công an xã phải “mời” tất cả những người hàng xóm sống xung quanh lên làm việc cả. Phải chăng vì người bị nhổ trộm 24 gốc tiêu kia nguyên là Bí thư xã và hiện có con, cháu đang là cán bộ đương chức nên bên Công an mới “sốt sắng” và “mạnh tay” như vậy?”
Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Phạm Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Sơn Bình và đại diện công an xã xác nhận có mời 6 người dân lên để xác minh theo đơn tố cáo của ông Hử. Khi chúng tôi đặt câu hỏi: Tại sao UBND xã và Công an lại cho mời 6 người dân này lên làm việc và viết bản tường trình đối với một vụ việc “chẳng đáng” như thế? Ông Hiền cho rằng: “Vì trong đơn tố cáo ông Hử bảo có nghi ngờ cho 6 người này, hơn nữa thời gian gần đây, giữa ông Hử và 6 người dân này đang tranh chấp về một con đường đi nên Công an xã dựa vào căn cứ này để mời người dân để xác minh, điều tra theo đơn tố cáo.Trả lời cho câu hỏi: Vậy từ trước tới nay, tất cả vụ việc tương tự, UBND xã và Công an xã có mời người dân lên để xác minh, điều tra như vậy không?. Ông Hiền cho biết là “tùy từng vụ việc”. Riêng đối với trường hợp bị mất 24 gốc tiêu mà Công an xã mời 6 hộ dân lên làm việc và viết bản tường trình, về lý Công an xã không sai nhưng cách làm việc như vậy chưa “thấu tình đạt lý”, mà có thể xuống tận nhà dân để xem xét, hỏi và điều tra thì sẽ tạo được sự đồng thuận với dân hơn.
Được biết, từ trước đến nay các hộ dân ở ấp Xuân Trường, xã Sơn Bình đi chung trên một con đường, vì con đường này nằm cạnh rẫy của ông Hử. Từ tháng 6-2012 đến nay, ông Hử luôn dùng các cách như: cho máy húc, dùng cuốc để chiếm con đường này vì cho rằng thuộc phần đất trước đây của ông Hử. Sự việc đã được người dân báo cáo với chính quyền địa phương giải quyết. Ông Phạm Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cũng xác nhận: xã đã giải thích rõ ràng với ông Hử là: Đây là con đường đi lâu năm của các hộ dân và đã được xác nhận là đường trên bản đồ địa chính của huyện nên không thể là đất của ông Hử. Tuy nhiên, ông Hử không chấp nhận cách giải quyết này của UBND xã Sơn Bình và hiện tại con đường là lối duy nhất đi lại của các hộ dân đang bị ông Hử lấn chiếm để làm rẫy. Vì vậy, các hộ dân mong muốn, UBND xã Sơn Bình, Phòng Địa chính huyện Châu Đức cần xác mình lại vị trí, diện tích con đường đi này, từ đó có biện pháp can thiệp để ông Hử không lấn chiếm, làm mất “tình làng nghĩa xóm” với người dân.
Bài, ảnh: THANH NGA