|
Công chức hải quan Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép kiểm tra, đối chiếu dữ liệu tờ khai điện tử xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp. |
Quy định mới về tăng cường quản lý hoạt động hàng tạm nhập tái xuất có hai vấn đề nổi bật là điều kiện được tham gia kinh doanh của doanh nghiệp và thời gian cho phép hàng hóa lưu lại Việt Nam. Theo đó, buộc tái xuất hàng tạm nhập quá thời gian quy định và chỉ được tái xuất qua cửa khẩu đã tạm nhập trước đó.Dự thảo thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý hoạt động hàng hóa tạm nhập tái xuất (TN-TX) quy định: Các doanh nghiệp tham gia kinh doanh phải có hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, hoặc TN-TX hàng hóa tối thiểu 2 năm kể từ ngày thành lập; phải ký quỹ 5 tỷ đồng tại Kho bạc Nhà nước nơi doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng như nơi doanh nghiệp có kho/bãi, việc ký quỹ nhằm phòng ngừa khả năng xử lý môi trường và tiêu hủy hàng tồn đọng nếu hàng không TX được. Đối với kinh doanh TN-TX hàng hóa thực phẩm đông lạnh, doanh nghiệp phải có kho, bãi với diện tích tối thiểu 3.000m2, sức chứa tối thiểu 100 container lạnh loại 40 feet, được ngăn cách với bên ngoài bằng hàng rào cứng với chiều cao tối thiểu là 2,5m, bảo đảm điện lưới và máy phát điện, các thiết bị chuyên dùng kèm theo để vận hành các container lạnh.
Về thời gian lưu hàng TN-TX không quá 45 ngày kể từ ngày làm thủ tục TN vào Việt Nam, hoặc ngày nhập kho ngoại quan để TX sang nước thứ ba, chỉ cho gia hạn một lần không quá 15 ngày. Không được chia nhỏ container trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu TN đến khu vực chịu sự giám sát của cơ quan hải quan, hoặc địa điểm TX thuộc cửa khẩu, điểm thông quan theo quy định. Hết thời hạn này, thương nhân buộc phải TX hàng hóa tồn đọng ra khỏi Việt Nam trong vòng 15 ngày qua cửa khẩu TN, không được phép TX qua cửa khẩu khác cửa khẩu TN. Nếu không TX được thì tịch thu và xử lý theo quy định.
Theo ông Trần Văn Danh, Cục trưởng Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu, quy định “siết chặt” về điều kiện kinh doanh hàng TN-TX sẽ góp phần lập lại trật tự kỷ cương trong hoạt động xuất nhập khẩu, ổn định thị trường, chống thất thu ngân sách. Trước đây, thời gian lưu hàng TN-TX là 180 ngày, quy định mới rút xuống còn 45 ngày, đồng thời chỉ cho phép TX hàng hóa qua cửa khẩu TN, tức là bắt buộc “hàng TN vào cửa khẩu nào phải TX ra đúng cửa khẩu đó” nhằm hạn chế việc doanh nghiệp núp bóng loại hình kinh doanh TN-TX thẩm lậu hàng hóa vào trong nước và tiêu thụ nội địa để trốn thuế. Quy định này cũng nhằm tăng cường công tác quản lý của cơ quan hải quan, hạn chế tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các cảng biển, kho bãi cửa khẩu.
Ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến XNK thủy sản (Baseafood) cho biết: Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đều có hoạt động TN-TX để nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho gia công, chế biến hàng xuất khẩu. Quy định mới rút ngắn thời gian lưu hàng TN-TX cũng ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp nhưng không đáng lo ngại, bởi doanh nghiệp cố gắng sản xuất quay nhanh vòng hàng, quay nhanh dòng vốn để tăng hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế đất nước và hoạt động sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn hiện nay, quy định mới về bảo lãnh ngân hàng đối với hàng TN-TX là phải có tài sản thế chấp, hạn mức bảo lãnh được xem như một món vay và phải trả phí bảo lãnh, điều này tạo thêm áp lực về tài chính cho doanh nghiệp. Đề nghị cơ quan chức năng cần có cơ chế kiểm soát, phân loại doanh nghiệp làm ăn chân chính với doanh nghiệp không đàng hoàng để áp dụng quy định về bảo lãnh ngân hàng cho từng đối tượng doanh nghiệp có hoạt động TN-TX.
Bài, ảnh: NHỰT THANH
DANH MỤC (TẠM THỜI) HÀNG HÓA KINH DOANH TN-TX
1. Hàng hóa cấm kinh doanh TN-TX, chuyển khẩu: Các loại chất thải nguy hại như ắc quy chì, vỉ mạch điện tử; nhựa phế liệu, phế thải; thiết bị làm lạnh sử dụng CFC; hoá chất là tiền chất thuộc diện cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu theo các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
2. Hàng hóa tạm ngừng kinh doanh TN-TX: Các mặt hàng tiêu dùng đã qua sử dụng và thực phẩm đông lạnh là phủ tạng, phụ phẩm gia súc và phủ tạng, phụ phẩm gia cầm.
3. Hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt: Rượu, bia, thuốc lá, nguyên liệu thay thế thuốc lá đã chế biến, đồ uống lên men…
4. Hàng thực phẩm đông lạnh kinh doanh TN-TX: Thịt gia súc, thịt gia cầm, thuỷ hải sản các loại kinh doanh TN-TX phải thực hiện theo giấy phép của Bộ Công thương.