|
Công nhân Công ty TNHH Sanfang, Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2 (huyện Tân Thành) trong giờ sản xuất. |
Sau 4 năm thực hiện Tiểu đề án 3 theo Quyết định số 31/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công nhân lao động khu vực kinh tế ngoài nhà nước đã đạt những kết quả nhất định, nâng cao hiểu biết pháp luật cho người lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Theo ông Đoàn Hữu Mai, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, đưa pháp luật lao động đến với người lao động và doanh nghiệp là vấn đề cơ bản để bình ổn quan hệ lao động. Từ đầu tháng 10 đến nay, để nâng cao hiểu biết pháp luật của người lao động, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với Sở LĐTB&XH, các doanh nghiệp triển khai Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn năm 2012 tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Những điểm mới của Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn năm 2012 đã được phổ biến chi tiết cho người lao động. Cụ thể như, Bộ luật Lao động sửa đổi, có hiệu lực từ 1-5-2013 có những điểm mới như: Thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ được tăng lên 6 tháng (trước đây là 4 tháng); tiền lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ…
Ngoài ra, những vấn đề khác như thời gian làm việc, làm thêm; các chế độ chính sách về lao động hiện hành đối người lao động như hợp đồng lao động; BHXH, BHYT, BHTN và Luật Công đoàn 2012 cũng được đề cập tại các buổi tuyên truyền pháp luật lao động. LĐLĐ tỉnh đã phát 600 phiếu thăm dò ý kiến công nhân lao động về công tác tuyên truyền pháp luật và hoạt động công đoàn tại cơ sở. Các ý kiến phản hồi đều mong muốn doanh nghiệp, tổ chức công đoàn quan tâm nhiều hơn nữa đến các chế độ, chính sách đối với người lao động. Trong đó, người sử dụng lao động cần phải tôn trọng, đối xử công bằng, có văn hóa và nhân đạo đối với người lao động. Bữa cơm của công nhân lao động cần phải sạch sẽ, đầy đủ dưỡng chất, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chị Nguyễn Thị Tuyết, công nhân Công ty TNHH Đông Phương Vũng Tàu, (Khu công nghiệp Đông Xuyên) cho biết: “Những buổi tuyên truyền về pháp luật lao động rất bổ ích đối với công nhân lao động. Có những vướng mắc khi thực hiện chế độ chính sách tại doanh nghiệp mà chúng tôi không biết hỏi ai. Chính vì vậy, qua đợt tuyên truyền này, chúng tôi đã được nắm bắt rất rõ các điểm mới của Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn về chế độ, chính sách của người lao động”.
Theo ông Đoàn Hữu Mai, sau 4 năm nỗ lực thực hiện Tiểu đề án 3 về “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và các quy định pháp luật hiện hành cho người lao động trong các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, giai đoạn 2009-2012, đã có hơn 70% công nhân lao động được tuyên truyền pháp luật. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ngày càng được củng cố, toàn tỉnh hiện có 225 báo cáo viên và 2.404 tuyên truyền viên Công đoàn. Cùng với hình thức tuyên truyền miệng, các cấp Công đoàn đã có nhiều hình thức khác như niêm yết thông tin trên bảng tin nội bộ, phân phát 50.000 cuốn sổ tay pháp luật; 15.960 tờ rơi, tờ gấp, tranh ảnh, truyền thanh nội bộ… cho công nhân lao động. Đến nay, đã có hơn 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động và hơn 1.000 đơn vị hành chính sự nghiệp, cơ sở sử dụng lao động triển khai, thực hiện pháp luật lao động. Trên địa bàn tỉnh, cơ bản các doanh nghiệp đã thực hiện ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với người lao động.Số người lao động được ký kết hợp đồng lao động đạt gần 82%; có hơn 800 doanh nghiệp có thỏa ước lao động tập thể. Ông Đoàn Hữu Mai cho biết thêm, việc đưa pháp luật lao động đến với người lao động đã có tác động điều chỉnh tốt quan hệ lao động, bảo đảm cơ bản quyền lợi của các bên trong quan hệ lao động. Đặc biệt là tăng cường sự quản lý của Nhà nước, từng bước xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và phát triển trong doanh nghiệp.