|
Đoàn cán bộ của tỉnh tham quan triển lãm về công nghiệp hỗ trợ tại Nhật Bản. Ảnh: Minh Quang |
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản còn e ngại khi quyết định đầu tư vào Bà Rịa - Vũng Tàu. Nguyên do là họ thiếu các thông tin về cơ hội đầu tư, môi trường đầu tư, chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư và đặc biệt là thông tin về các KCN trên địa bàn tỉnh.Thời gian qua, hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh đối với các doanh nghiệp Nhật Bản chủ yếu được tổ chức dưới hình thức hội thảo và cử đoàn sang Nhật để vận động các nhà đầu tư. Những hoạt động đó tuy khá rầm rộ, một số bản ghi nhớ đã được ký kết, nhưng hiệu quả mang lại chưa như mong muốn. Theo Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, chúng ta cần phải thay đổi nhận thức và phương thức xúc tiến đầu tư, điều quan trọng là phải quảng bá được hình ảnh của địa phương cũng như những thông tin cần thiết mà nhà đầu tư Nhật Bản đang quan tâm. Trong các cuộc hội thảo có sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản tiềm năng, cần xuất bản tài liệu hướng dẫn đầu tư vào tỉnh, lập website để giới thiệu dự án, điều kiện hạ tầng kỹ thuật, địa chỉ cần liên hệ. Để hoạt động xúc tiến đầu tư có hiệu quả nên chú trọng định hướng thị trường và định hướng DN thích ứng với từng loại dự án mà tỉnh muốn thu hút. Khi đã tìm được nhà đầu tư tiềm năng thì cần thường xuyên liên hệ, cung cấp thông tin cập nhật theo yêu cầu của họ cho đến khi dự án được cấp phép và triển khai thực hiện.
Các nhà đầu tư Nhật Bản than phiền rằng, kênh thông tin họ hay sử dụng là Internet vẫn chưa phát huy hiệu quả như mong đợi, thông tin mà các nhà đầu tư cần còn rất ít, thiếu cập nhật và không đầy đủ. Hầu như khó có thể tìm được thông tin cụ thể, ví dụ như trên địa bàn một KCN có bao nhiêu DN đang hoạt động trong một lĩnh vực cụ thể, quy mô, công suất hoạt động của các DN… Với tâm lý “buôn có bạn, bán có phường”, DN Nhật Bản dễ quyết định đầu tư hơn khi KCN đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng, ngoài ra, họ còn chú trọng đến việc KCN đang có các DN Nhật Bản khác hoạt động hay không. Bên cạnh đó, DN Nhật Bản yêu cầu dịch vụ đầy đủ, nhân viên giỏi tiếng Nhật, hiểu được phong cách người Nhật và người Nhật có đủ điều kiện sống ở KCN đó. Chính vì vậy, điều đầu tiên, các KCN phải cung cấp đầy đủ thông tin về các dịch vụ của mình khi muốn kêu gọi DN Nhật Bản đầu tư.
Thông tin mà những DN tiềm năng Nhật Bản muốn tìm hiểu là hoạt động công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Những thông tin này giúp nhà đầu tư dễ tìm kiếm các chuỗi cung ứng tiềm năng ở tỉnh. Đơn cử như, doanh thu bán hàng của từng loại chi tiết công nghiệp, số lượng cung cấp các phụ tùng thay thế, số lượng vật liệu mà các công ty lớn đang thu mua, các thông tin thống kê như mối quan hệ giữa các KCN giữa các thành phố và các tỉnh lân cận. Loại thông tin này ảnh hưởng đáng kể đến quyết định đầu tư của DN nước ngoài.
Thừa nhận những hạn chế trong việc cung cấp nguồn thông tin, bà Trần Thị Hường, Giám đốc Sở Công thương cho rằng, để đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản, thời gian tới, tỉnh cần có kế hoạch thực hiện công tác xúc tiến đầu tư dài hạn, tăng cường công tác truyền thông quảng bá, thành lập một bộ phận chuyên trách thu hút đầu tư từ Nhật Bản trực thuộc Sở Kế hoạch - Đầu tư để làm đầu mối tiếp nhận, trao đổi thông tin, thực hiện các công việc xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, cần mở văn phòng đại diện của tỉnh tại Nhật Bản, xây dựng website để cung cấp thông tin về Bà Rịa - Vũng Tàu cho các doanh nghiệp Nhật Bản…
SƠN QUỲNH