TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Chủ Nhật, 24/11/2024
Tin tức trong nước
Tin tức trong tỉnh
Tin thế giới
Tổng quan về xã
Hoạt động UBND
Sản phẩmGương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
Dịch vụ
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Mùa thu hoạch lúa

Chăm sóc cây ăn quả

Mô hình nuôi nhím hiệu quả kinh tế cao

Lượt truy cập: 347684
  TIN TỨC TRONG TỈNH

  Xóm nghèo của những người già neo đơn
26/10/2012

Bà Nguyễn Thị Liên trong căn nhà tuềnh toàng của mình.


Tuổi già là tuổi được nghỉ ngơi và cần sự đỡ đần, chăm sóc của con cái. Thế nhưng, đâu đó xung quanh ta vẫn có những người già cô đơn phải bươn chải kiếm sống qua ngày.

Đến khu phố Long Bình (thị trấn Long Điền, huyện Long Điền) hỏi thăm nhà bà Tư (tên thật là Đoàn Thị Sanh), người dân ở đây nhiệt tình chỉ: “Nhà bà Tư ở trong hẻm nhỏ, đi qua đoạn đường đất này là tới”; “Bà Tư nghèo nhưng tốt bụng lắm, bà còn đưa mấy người già lang thang, không nơi nương tựa về sống trong xóm này đó”… Cái xóm nhỏ của khu phố Long Bình có nhiều ngôi nhà lụp xụp, chật hẹp, xiêu vẹo, không được gọn gàng, tươm tất là nơi sinh sống của khá nhiều người già, cô đơn, không nơi nương tựa. Họ sống chủ yếu nhờ lòng tốt của những người hàng xóm và tựa vào chính nhau.

Khuôn mặt đượm buồn, gánh nặng cuộc sống như hằn sâu lên ánh mắt, khóe miệng và cả nụ cười là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp bà Tư. Bà kể chuyện về cuộc đời mình và những mảnh đời bất hạnh bằng giọng lo âu, trầm buồn và không khỏi ái ngại. Năm nay đã 73 tuổi, nhưng bà chưa bao giờ được nghỉ ngơi. Bà Tư có 9 người con nhưng ai cũng nghèo khó nên không đỡ đần cho ông, bà được bao nhiêu. Cách đây 5 năm, người con trai thứ 9 của bà không may bị tai nạn nặng phải nằm viện một thời gian dài. Chán ngán cảnh nhà, vợ của người con trai này bỏ nhà đi biệt tăm, để lại đứa con mới 12 ngày tuổi cho bà. Từ đó, bà Tư vừa phải chăm con vừa nuôi cháu. Bản thân bà lại bị bệnh tật đeo đẳng nên khó khăn chồng chất khó khăn. Mọi chi phí sinh hoạt hằng ngày của gia đình bà chủ yếu dựa vào tiền làm công phụ hồ của chồng bà cùng lòng hảo tâm của những người hàng xóm và các mạnh thường quân. Lúc khỏe mạnh bà cũng nấu chè, mở hàng tạp hóa để kiếm thêm ít tiền mua bánh, mua sữa cho cháu nội. Thế mà bà còn “đèo bòng” khi cưu mang thêm mấy người già khác.

Một trong những người đó là bà Nguyễn Thị Liên (72 tuổi, quê ở Bình Dương). Một lần đi lượm ve chai, bị ngất xỉu, bà Liên được bà Tư chăm sóc và đưa về nhà sống cùng vì bà Liên không có nhà cửa. Sau đó, bà Tư đứng ra mượn mảnh đất của hàng xóm và dựng nên căn nhà tạm rộng chừng 7m2 cho bà Liên ở. Căn nhà nhỏ chật chội, nóng bức, tối tăm, đầy những bịch ni-lông, chai nhựa do bà Liên lượm lặt hàng ngày về để bán ve chai kiếm sống. Trong nhà chỉ có chiếc giường cũ kỹ là vật đáng giá nhất. Bà Liên cho biết, mỗi ngày bà kiếm được 10.000 - 25.000 đồng từ tiền bán ve chai, còn ngày mưa thì có khi chẳng được đồng nào nên không đủ lo cơm nước. Cuộc sống của bà cứ lay lắt trôi qua từng ngày và phải trông chờ vào sự giúp đỡ của những người hàng xóm tốt bụng. Bà Liên có một người anh trai sống ở Bình Dương, nhưng lâu lắm rồi bà chưa có điều kiện về gặp lại người anh của mình. Thân hình nhỏ bé, tấm lưng gầy guộc, bộ quần áo cũ kỹ, cáu bẩn của bà Liên cứ ám ảnh chúng tôi mãi.

Vào sâu trong một con hẻm nhỏ nữa ở khu phố Long Bình là ngôi nhà của bà Phạm Thị Buông, 73 tuổi. Ngôi nhà có thể che nắng nhưng không thể che mưa mà bà Buông đang ở, vốn là ngôi nhà bỏ hoang của hàng xóm. Bà Buông quê ở huyện Long Điền nhưng bà không nhớ chính xác là chỗ nào. Không nhà cửa, con cái, chồng mất từ lâu nên bà nương náu hết người này đến người khác. Năm 2011, thấy hoàn cảnh bà Buông neo đơn, bà Tư thương tình rủ về ở cùng. Vì cuộc sống khó khăn, nhà cửa lại chật chội nên bà Tư phải mượn căn nhà bỏ hoang của hàng xóm cho bà Buông ở. “Trời nắng còn đỡ chứ khi mưa thì nước tràn vào nhiều lắm cô ạ. Nhưng cũng may, chỗ ngủ được bà con lối xóm giúp căng bạt che chắn nên không sao”, bà Buông nói.

Chia tay xóm nghèo ấy, điều đọng lại trong chúng tôi là tình người trong khó khăn. Mong sao có thêm nhiều mạnh thường quân, nhà hảo tâm biết đến những cảnh đời ấy và chung tay góp sức, cùng những người hàng xóm tốt bụng giúp đỡ họ, để tuổi xế chiều của họ bớt vất vả hơn.
                                                                                                                Bài, ảnh: CẨM NHUNG

Theo baobariavungtau.com.vn
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 881 204 - Fax: (84.064) 3 881 204
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu