|
Doanh nghiệp làm thủ tục về thuế tại bộ phận "một cửa" Cục Thuế tỉnh. |
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP về gia hạn, giảm, miễn thuế đối với một số khoản thu ngân sách Nhà nước năm 2012. Chính sách ưu đãi về thuế đã phát huy hiệu quả, giúp cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh để vượt qua khó khăn.Thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ, thời gian qua, Cục Thuế tỉnh đã triển khai sâu rộng nội dung các khoản miễn, giảm và gia hạn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghệp (TNDN) đối với từng loại hình doanh nghiệp và lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Cục Thuế tỉnh cho biết, các khoản miễn, giảm, gia hạn một số khoản thu ngân sách Nhà nước năm 2012 trên địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu, dự kiến sẽ hơn 1.084 tỷ đồng. Đến đầu tháng 10-2012, số thuế gia hạn, giảm, miễn thuế cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hơn 588 tỷ đồng, trong đó: Gia hạn thuế GTGT cho 3.464 doanh nghiệp với số thuế 432,4 tỷ đồng. Gia hạn thuế TNDN năm 2010 và năm 2011 chưa nộp cho 572 doanh nghiệp với số thuế hơn 127 tỷ đồng; giảm 30% thuế TNDN cho 23 doanh nghiệp với số thuế hơn 18 tỷ đồng. Giảm tiền thuê đất cho 73 tổ chức sử dụng đất số tiền gần 10 tỷ đồng. Giảm thuế GTGT và thuế TNDN cho 1 doanh nghiệp cung ứng suất ăn ca cho công nhân số thuế 106 triệu đồng. Miễn thuế môn bài cho 1.224 hộ đánh bắt hải sản số tiền 780 triệu đồng.
Tại các cuộc đối thoại giữa Cục Thuế, Cục Hải quan tỉnh với doanh nghiệp được tổ chức gần đây, nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự đồng tình với chính sách ưu đãi thuế theo Nghị quyết 13/NQ-CP. Chính sách này đã giúp cho doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính, số tiền thuế chưa nộp, hoặc được giảm doanh nghiệp dùng để bổ sung vào nguồn vốn lưu động, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm vượt qua khó khăn, giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, việc gia hạn nộp thuế chỉ có ý nghĩa cho những khoản thuế đến hạn nộp, nhưng lại áp dụng cho cả trường hợp nợ thuế quá hạn là không đúng với tính chất của công tác quản lý thuế, tạo tiền lệ không tốt cho các doanh nghiệp dây dưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Theo ông Dương Công Trạng, kế toán trưởng Công ty May mặc Thăng Long, vấn đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng chính sách gia hạn thuế chỉ mang tính chất ngắn hạn, thực chất là cho ghi nợ thuế 6 tháng, 9 tháng. Về lâu dài, nhằm giải quyết căn cơ những khó khăn nội tại lâu nay của doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm, làm cho chính sách thuế thực sự hỗ trợ doanh nghiệp, đề nghị cơ quan thẩm quyền cần xem xét giảm thuế suất một số sắc thuế hiện đang ở mức cao, đơn cử như thuế suất thuế TNDN từ 25% nên giảm xuống còn 20%.
Ông Nguyễn Khả Phong, kế toán Công ty TNHH Chế biến bột mỳ Mê Kông cho rằng, việc nộp thuế là nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp đối với ngân sách Nhà nước. Chính sách ưu đãi thuế đã có quy định trong từng luật thuế, như thuế GTGT có các trường hợp được hưởng thuế suất ưu đãi bằng 0%, hoặc 5%. Do vậy, không nên gia hạn, hoặc miễn mà cần áp dụng thuế suất ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời vẫn bảo đảm nguồn thu ngân sách Nhà nước chi cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, khó khăn của doanh nghiệp không phải do thuế, mà xuất phát từ cấu trúc của nền kinh tế chưa hợp lý, tăng trưởng không có chiều sâu, mất cân đối cung-cầu làm cho sức mua thị trường giảm, đầu ra sản phẩm bị hạn chế làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, bên cạnh chính sách ưu đãi thuế, Chính phủ cần có thêm những giải pháp hữu hiệu khác để quản lý và điều hành nền kinh tế vận động tốt hơn.
Bài, ảnh: NHỰT THANH