Theo phản ảnh của người nuôi hải sản trên sông Dinh (phường 12, TP. Vũng Tàu), thời gian qua, nước sông Dinh liên tục đổi màu và làm cho cá chết. Nguồn nước bị ô nhiễm là nguyên nhân chính làm cho cả khu vực nuôi trồng hải sản rộng khoảng 300ha ở phường 12 bị thiệt hại nặng. Tuy nhiên, đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa xác định chính xác “thủ phạm” gây ra nguyên nhân cá chết.
|
Sông Dinh - đoạn chảy qua TP. Vũng Tàu trước khi đổ ra biển đã đổi màu ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản. |
DẦU, MỠ ĐÓNG VÁNG VEN SÔNGLòng sông Dinh đoạn chảy qua TP. Vũng Tàu rộng hàng chục mét và có độ sâu từ 4-6m và ưu điểm bán nhật triều (một ngày thủy triều lên xuống 2 lần) với biên độ thủy triều 3,5m, rất tốt cho việc khai thác luồng và nuôi trồng thủy sản. Theo phản ảnh của người nuôi hải sản trên sông Dinh, nước sông Dinh ô nhiễm đã gây cá chết hàng loạt. Hiện tượng này xảy ra từ nhiều năm nay nhưng chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng về nguyên nhân cá chết để khắc phục.
Sau khi nhận được phản ảnh của của người dân, chúng tôi đã có chuyến khảo sát sông Dinh khu vực thuộc TP. Vũng Tàu. Bằng mắt thường chúng tôi cũng nhận thấy, tại khu vực này sông Dinh hiện đã bị nhiễm dầu, mỡ nặng. Có nhiều dầu, mỡ kết thành từng mảng trên sông; thậm chí có nơi dầu dày khoảng 5-10mm với diện tích hàng chục m2 đóng lại ven bờ. Với kinh nghiệm nuôi trồng hải sản, nhiều ngư dân cho rằng đây là nguyên nhân làm cho cả khu vực nuôi trồng hải sản tại đây bị thiệt hại, do nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Theo những người nuôi cá tại đây, so với các loài cá khác, cá mao ếch rất khỏe và màu xám, nhưng ở đây đã xảy ra hiện tượng cá chuyển sang màu bạc và chết khá nhiều; hay như cá ngác đen cũng có hiện tượng chuyển thành màu trắng…
Theo thống kê của cơ quan chức năng, với chiều dài 40km nhưng sông Dinh có 18 cảng với 9 cảng biển và 9 cảng nội địa. Trong 9 cảng biển có 4 cảng được Bộ Giao thông và Vận tải cho phép tiếp nhận tàu có trọng tải 10.000 DWT. Hơn nữa, khu vực cảng và các doanh nghiệp dịch vụ dầu khí nằm trên địa bàn phường Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu đã phát triển thành một khu công nghiệp lớn có quy mô gần 300ha đã được khai thác hết công suất, nhưng đến nay vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ngoài ra, sông Dinh được coi là tuyến giao thông đường thủy rất nhộn nhịp, mỗi ngày có hàng trăm lượt tàu, xà lan… đi lại trên dòng sông này. Nguy cơ ô nhiễm từ nước thải công nghiệp và nước thải từ tàu, thuyền là rất lớn.
Ô NHIỄM TỪ NUÔI TRỒNG VÀ SINH HOẠT CỦA NGƯỜI DÂN
Ngoài sự nhộn nhịp tàu thuyền qua lại và sự phát triển công nghiệp quy mô trên bờ sông Dinh đoạn chảy qua TP. Vũng Tàu vẫn còn nhiều nhà dân xây lấn sông gây ô nhiễm nguồn nước và cảnh quan đô thị. Dọc sông Dinh hiện có hơn 100 ngôi nhà được cất tạm bợ, nổi trên sông. Chủ nhân của những ngôi nhà này đều có hoàn cảnh khó khăn, không nghề nghiệp ổn định và chấp nhận sống chung với ô nhiễm. Nước thải, nước sinh hoạt và cả rác người dân nơi đây đổ thẳng xuống sông khiến cho nhiều đoạn sông trở thành bãi rác di động lên xuống theo con nước. Theo UBND TP. Vũng Tàu, tình trạng xây dựng trái phép và xả chất thải sinh hoạt ở sông Dinh xảy ra từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm được. Hiện thành phố đã và đang phối hợp với địa phương để xử lý tình trạng này nhưng xem ra không thể giải quyết triệt để được.
Cùng với “nhà nổi”, việc sử dụng tấm lợp Fibro xi măng phế thải và lốp xe cũ… cũng đang đe dọa nguồn nước tại đây. Sau khi thu hoạch hải sản các loại vật liệu này không dùng được nữa đã bị người dân đổ xuống các bãi nuôi hoặc vứt thành đống ở ven bờ sông. Nuôi trồng hải sản theo phương pháp này của người dân đầu tư ít tốn kém nhưng lại gây nguy hại đến môi trường nước và an toàn thực phẩm.
Lượng nước ô nhiễm này sẽ đổ ra biển qua vịnh Gành Rái và khó tránh khỏi tình trạng nước thải nhiễm dầu, mỡ cũng như chất thải sinh hoạt ở đây sẽ “tuần hoàn” lại khu vực các bãi biển, nuôi hải sản của TP. Vũng Tàu do sóng biển đánh vào. Như vậy, nguồn ô nhiễm này không chỉ nguy hiểm cho môi trường nuôi trồng hải sản trên sông Dinh mà còn làm ô nhiễm các bãi tắm, khu vực nuôi hải sản khác. Người nuôi trồng hải sản tại đây đang rất lo lắng và mong cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân làm cá chết cũng như giải pháp bảo vệ môi trường cho sông Dinh.
Bài, ảnh: QUANG NGUYỄN