Trong suốt chiều dài lịch sử, Côn Đảo - hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc là nơi ghi dấu sự đấu tranh bất khuất, kiên cường, ý chí sắt đá của hàng vạn chiến sĩ cộng sản. Nhân dịp di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo đón bằng công nhận di tích quốc gia cấp đặc biệt, chúng ta cùng lật lại trang sử hào hùng của dân tộc.
|
Du khách tham quan hệ thống nhà tù Côn Đảo. Ảnh: MINH TÂM |
113 NĂM LAO TÙ, 38 NĂM GIẢI PHÓNG
Sau khi Pháp chiếm Côn Lôn (tên gọi trước của Côn Đảo), ngày 2-1-1862, Thống đốc Nam kỳ Louis Adolphe Bonard đã thành lập nhà tù Côn Đảo để giam giữ những tội nhân Nam bộ mang án tù từ 1 đến 10 năm. Ngày 14-1-1862, thực dân Pháp đưa một số nhân viên ra đảo dựng trạm hải đăng, nhằm khẳng định quyền thống trị của Pháp ở đây. Ngày 5-6-1862, thực dân Pháp chính thức hợp pháp hóa việc chiếm đóng Côn Đảo. Với âm mưu biến nơi đây thành nhà lao khổng lồ, giam giữ những người yêu nước Việt Nam, chính quyền thực dân Pháp đặt Côn Lôn dưới sự quản lý về mọi mặt của Giám đốc đề lao. Đến năm 1936, Côn Đảo hoàn toàn vắng bóng người dân sinh sống, chỉ còn gia đình binh lính, nhân viên của chính quyền thực dân và tù nhân. Ngày 22-10-1956, theo sắc lệnh số 143-NV mà chính quyền Ngô Đình Diệm ban hành, Côn Đảo trước là một quận biệt lập, nay trở thành tỉnh với tên gọi Côn Sơn, tỉnh lỵ đặt tại Côn Sơn, với đơn vị hành chính duy nhất là cấp tỉnh, mà không có đơn vị cấp huyện hay xã. Trong không khí của cuộc tổng tiến công nổi dậy giải phóng hoàn toàn đất nước những ngày của tháng 4-1975 lịch sử, ngày 1-5-1975, quần chúng nhân dân và các tù nhân tại nhà tù Côn Đảo đứng lên giải phóng đảo, chấm dứt 113 năm lao tù. Tháng 9-1976, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam giải thể cơ cấu hành chính cũ để thành lập huyện Côn Đảo, thuộc TP. Hồ Chí Minh. Tháng 1-1977, Côn Đảo chuyển sang thuộc tỉnh Hậu Giang. Tháng 5-1979, Côn Đảo trở thành một quận trực thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Tháng 8-1991, Côn Đảo trở thành một huyện thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và giữ nguyên cho đến hôm nay.
HUYỀN THOẠI CÔN ĐẢO
Hệ thống nhà tù Côn Đảo là di vật về tội ác tày trời của chế độ thực dân trong suốt 113 năm (1862-1975) nhưng cũng là bằng chứng cho tinh thần đấu tranh kiên cường của nhân dân yêu nước. Cầu tàu 914 (nơi có ít nhất 914 người chết khi xây dựng cầu tàu này), nghĩa trang Hàng Dương, nghĩa trang Hàng Keo, cầu Ma Thiên Lãnh… là những địa danh không thể nào quên. Nơi đó là quá khứ đấu tranh bất khuất của các chiến sĩ cộng sản. Giữa cái sống và cái chết trong gang tấc cận kề, những người tù Côn Đảo vẫn một mực son sắt thủy chung với lý tưởng của Đảng cộng sản, với nhân dân và toàn thể đồng chí, đồng đội và bạn tù. Dù phải đối mặt với những phương tiện và thủ đoạn tra trấn man rợ của kẻ thù, nhưng họ vẫn lạc quan và tự tin chiến thắng. Các chiến sĩ cộng sản còn biến nhà tù trở thành trường học về chủ nghĩa Mác-Lênin, về văn hóa, sinh hoạt chính trị… góp phần làm cho cách mạng Việt Nam chiến thắng. Những trang sử đau thương, bi tráng đó đã tạo nên một huyền thoại về Côn Đảo.
Ngày 29-4-1979, Bộ Văn hóa-Thông tin quyết định đặc cách công nhận Khu di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo là di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia. Tiếp đó, ngày 10-5-2012, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 548/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo là Di tích quốc gia đặc biệt. Điểm đặc biệt của di sản văn hóa ở Côn Đảo là sự kết hợp chặt chẽ hai trong một di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo được xem là bàn thờ lớn và thiêng liêng của Tổ quốc, là nơi biểu hiện cho sự đấu tranh khổ cực, hy sinh xương máu, là trường học cộng sản lớn, là nơi thể hiện khát vọng hòa bình của các thế hệ cha, anh trong quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền của đất nước. Những mất mát, hy sinh to lớn ấy với mục đích giữ gìn sự hòa bình cho đất nước, cho sự toàn vẹn của lãnh thổ Việt Nam. Những sự hy sinh thầm lặng đó rất đáng được thế hệ hôm nay, mai sau ghi nhớ và vinh danh.