Việc chuyển đổi truyền hình mặt đất tương tự sang truyền hình số mặt đất là xu hướng tất yếu, được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành “Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020” nhằm nâng cao chất lượng truyền hình và tiết kiệm tài nguyên số quốc gia. Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong 26 tỉnh, thành phố nằm trong giai đoạn 2 của lộ trình này.
|
“Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020” nhằm nâng cao chất lượng truyền hình và tiết kiệm tài nguyên số quốc gia. |
Mục tiêu của “Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020” là phấn đấu đến năm 2020, 100% hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, trong đó, truyền hình số mặt đất chiếm 45% các phương thức truyền hình; phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 80% dân cư… Cũng theo đề án này, tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất được lựa chọn là tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất DVB-T và các phiên bản tiếp theo; áp dụng thống nhất tiêu chuẩn mã hóa hình ảnh và âm thanh MPEG-4.Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, trên cả nước có gần 50% số hộ xem truyền hình phát sóng tương tự mặt đất (analog). Vì vậy, việc số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất sẽ giúp người dân thưởng thức nhiều chương trình truyền hình chất lượng cao hơn, phát trên chuẩn HD, 3D. Bên cạnh đó, việc quy hoạch lại việc truyền dẫn, phát sóng truyền hình cũng giúp các nhà đài sử dụng hiệu quả tài nguyên tần số vô tuyến điện; các nhà đài sẽ có điều kiện tập trung vào sản xuất chương trình, còn việc truyền dẫn phát sóng giao cho các doanh nghiệp.
Lộ trình chuyển đổi truyền hình mặt đất tương tự sang truyền hình số mặt đất được chia làm 4 giai đoạn. Theo đó, các tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ kết thúc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (analog) để hoàn toàn chuyển sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31-12-2020. Trong đó, giai đoạn 1 của đề án được áp dụng tại 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng, TP. Đà Nẵng và TP. Cần Thơ (trước ngày 31-12-2015). Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ nằm trong giai đoạn 2 của đề án. Sau khi nhận được thông tư hướng dẫn của Bộ Thông tin - Truyền thông, UBND tỉnh đã chỉ đạo Đài Phát thanh – truyền hình tỉnh kết thúc việc phát sóng các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất trước ngày 31-12-2016, để chuyển hoàn toàn sang phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất.
Theo nhận định của các nhà chuyên môn, khi ngừng phát sóng truyền hình tương tự, các máy thu hình analog hiện nay sẽ không thu được tín hiệu truyền hình số mặt đất, người xem truyền hình buộc phải lắp thêm đầu thu truyền hình số mặt đất. Đế khắc phục vấn đề này, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần để các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ gia đình chính sách mua đầu thu truyền hình số mặt đất, đồng thời quy định các công ty sản xuất, nhập khẩu máy thu hình để sử dụng tại Việt Nam phải tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất vào máy thu hình theo lộ trình với từng chủng loại. Các công ty sản xuất máy thu hình cũng sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như giảm 100% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu, 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo. Về phía đài truyền hình địa phương, ông Võ Văn Cầm, Giám đốc Đài Phát thanh – truyền hình tỉnh cho biết, đài đang nỗ lực để có thể hoàn thành việc chuyển đổi truyền hình mặt đất tương tự sang truyền hình số mặt đất trước lộ trình. Để làm được điều đó, đài sẽ tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ người dân mua đầu thu nếu người dân không có điều kiện mua tivi mới có tích hợp sẵn chức năng thu truyền hình số mặt đất.
Bài, ảnh: QUANG V