TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Sáu, 22/11/2024
Tin tức trong nước
Tin tức trong tỉnh
Tin thế giới
Tổng quan về xã
Hoạt động UBND
Sản phẩmGương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
Dịch vụ
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Mùa thu hoạch lúa

Chăm sóc cây ăn quả

Mô hình nuôi nhím hiệu quả kinh tế cao

Lượt truy cập: 347299
  TIN TỨC TRONG TỈNH

  Gian nan tìm cách bảo tồn cồng chiêng Châu Ro
04/06/2013

Trong cộng đồng các dân tộc ít người đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, dân tộc Châu Ro có số lượng dân cư đông nhất, gần 10.000 người. Người Châu Ro có trang phục, tiếng nói, chữ viết riêng và có một nền văn hóa dân gian đa dạng, phong phú, trong đó, văn hóa cồng chiêng được xem là loại hình văn hóa, văn nghệ đặc sắc, là “linh hồn” của người Châu Ro. Tuy nhiên, hiện nay, việc bảo tồn và phát triển văn hóa cồng chiêng gặp không ít khó khăn.

5935.zip
Ông Đào Văn Thiệt (tổ 17, ấp Tân Châu, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) với bộ chiêng quý giá của mình. Ảnh: CẨM NHUNG.

LINH HỒN CỦA NGƯỜI CHÂU RO

Trong kho tàng văn hóa Châu Ro, có những điệu múa, bài dân ca, dân vũ nguyên thể; những lễ hội đặc trưng như: Nhang rừng, Nhang lúa; những nhạc cụ dân tộc như: kèn môi, kèn bầu, zểnh, goongkla, goongchlo... đã góp phần làm cho diện mạo văn hóa văn nghệ của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh thêm đa dạng, phong phú. Với người Châu Ro, trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hay vào các dịp lễ, tết... không thể thiếu nhạc cụ cồng chiêng. Khi tiếng cồng chiêng cất lên cũng là lúc mọi người sum vầy bên nhau, cùng hát, múa. Âm thanh cồng chiêng gắn liền với các điệu múa dân gian như: múa cầu mùa, múa sàng gạo, múa giã gạo... Người Châu Ro còn tin rằng, âm thanh của tiếng cồng chiêng vang rất xa, có thể thấu tới các vị thần linh để phù hộ cho mùa màng bội thu, nhà nhà yên vui, người người sức khỏe. Ngoài ra, cồng chiêng còn được sử dụng trong đám tang, lễ cúng chữa bệnh của người Châu Ro. Một bộ cồng chiêng Châu Ro có 7 chiếc, dùng cho 5 người đánh một lúc.

5935.zip
Lớp dạy đánh chiêng cho học sinh được tổ chức tại Nhà Văn hóa Bàu Chinh (huyện Châu Đức).

Bà Lý Thị Nhiễn, Chủ nhiệm đội cồng chiêng Nhà văn hóa Bàu Chinh (huyện Châu Đức) cho biết, trong lễ hội mừng năm mới hoặc các lễ hội lớn khác của đồng bào Châu Ro như: lễ hội cúng thần lúa (Yangri) vào tháng 2 âm lịch, lễ hội cúng thần rừng (Yangva) vào tháng 11 âm lịch, thì cồng chiêng là nhạc cụ giữ vai trò chủ đạo trong số các loại nhạc cụ dân tộc Châu Ro. “Cồng chiêng Châu Ro mang bản sắc riêng, không hòa lẫn với cồng chiêng của các dân tộc khác. Với người Châu Ro, cồng chiêng mang giá trị thiêng liêng, mất cồng chiêng là không còn văn hoá Châu Ro nữa” – bà Nhiễn nói. 

Nhạc sĩ Phan Thiết, người có nhiều năm tìm hiểu văn hoá dân gian Châu Ro so sánh cồng chiêng Châu Ro với cồng chiêng của các dân tộc ít người khác: Âm nhạc từ cồng chiêng Châu Ro có một điều rất đặc biệt, không giống với bất cứ dân tộc nào ở tiết tấu của chiêng. Tiết tấu của chiêng Châu Ro khác với tiết tấu của chiêng Tây Nguyên, chiêng dân tộc Stiêng ở chỗ tiết tấu của chiêng là chính và tất cả các nhạc cụ khác đều đi theo cái chiêng đó mà ra.

CÓ CÒN VANG XA?

Cồng chiêng có giá trị lớn về mặt tinh thần và làm nên nét đẹp văn hóa riêng biệt đối với đồng bào dân tộc Châu Ro nhưng đang bị mai một dần. Ông Phạm Chí Thân, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, cộng đồng người Châu Ro trên địa bàn tỉnh hiện chỉ còn lưu giữ được nguyên vẹn 3 bộ chiêng đồng (trưng bày tại Nhà văn hoá dân tộc Bàu Chinh). Nhiều bộ chiêng bị hư hỏng, thất lạc, thậm chí bị bán như một món đồ đồng giá trị, trong khi công tác bảo tồn chưa được quan tâm. Theo phong tục của người Châu Ro, con gái được kế thừa cồng chiêng của cha mẹ, vì thế, nhiều bộ cồng chiêng bị xé lẻ. “Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Châu Ro cần phải được chú trọng hơn nữa để tránh bị mai một” – ông Phạm Chí Thân nói.

Thực tế, hiện nay, những người am tường, sử dụng thành thạo nhạc cụ cồng chiêng đều đã cao tuổi, có thể kể đến như: ông Tòng Văn Thành, 79 tuổi (huyện Xuyên Mộc); bà Dương Thị Mười, 86 tuổi; Lý Thị Cơ, 76 tuổi; Lý Thị Nhiễn, 69 tuổi (huyện Châu Đức)… Trong khi đó, lớp trẻ dân tộc Châu Ro hầu hết không biết đánh cồng chiêng hoặc chỉ biết những kỹ thuật cơ bản. Vợ chồng ông Đào Văn Thiệt, bà Lý Thị Bảy (tổ 17, ấp Tân Châu, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) được xem là người nắm giữ bộ chiêng cũ nhất, có âm thanh hay nhất tại huyện Châu Đức. Tuy nhiên, bộ chiêng của ông Thiệt cũng không còn nguyên vẹn, chỉ còn 6/7 chiếc. Ông Thiệt thừa nhận ngay cả con cái ông cũng không mặn mà với âm thanh “bình bong... bình bong” của cồng chiêng. “Bọn trẻ bây giờ chỉ thích nghe nhạc hiện đại, con tôi có đứa nào chịu học cách đánh cồng chiêng đâu” - ông Thiệt nói.

5935.zip
Tiết mục văn nghệ về văn hóa Châu Ro tại Tuần lễ văn hóa Việt - Hàn được tổ chức tại tỉnh BR-VT năm 2012.

Trong nỗ lực góp phần gìn giữ văn hóa cồng chiêng nói riêng và văn nghệ dân gian Châu Ro nói chung, năm 2002, Nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh (huyện Châu Đức) đã chính thức đi vào hoạt động với hy vọng đây sẽ là nơi sinh hoạt văn hóa, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của đồng bào Châu Ro. Bên cạnh việc trưng bày các hiện vật, hình ảnh, đây cũng là nơi truyền dạy cách đánh cồng chiêng, cách làm và chơi các nhạc cụ dân tộc khác, tổ chức sinh hoạt múa hát các làn điệu truyền thống. Tuy nhiên, Nhà Văn hóa Bàu Chinh cũng chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Trong những năm gần đây, cồng chiêng Châu Ro ít nhiều được phát huy giá trị qua các dịp Festival cồng chiêng Tây Nguyên, Liên hoan dân ca Việt Nam. Nhưng trong các dịp đó, những người “đem cồng chiêng đi đánh xứ người” cũng là những nghệ nhân lớn tuổi, còn những người trẻ thường chỉ tham gia vào các tiết mục hát, múa. Vì vậy, việc tìm ra đội ngũ kế thừa cồng chiêng Châu Ro đang là một vấn đề nan giải, cần nhiều thời gian và giải pháp hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Bài, ảnh: HOÀNG LINH

 
Theo baobariavungtau.com.vn ngày 31/5/2013
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 881 204 - Fax: (84.064) 3 881 204
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu