Sau 5 tháng kể từ khi Nghị quyết 02/NĐ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, trong đó có thị trường bất động sản được ban hành (ngày 7-1-2013), đến nay một số doanh nghiệp (DN) bất động sản cho biết, hầu như họ vẫn chưa được hỗ trợ gì từ gói giải pháp này. Dẫn chứng về việc này, các DN cho biết, để thực hiện tháo gỡ khó khăn cho DN bất động sản, những tháng đầu năm nay, tại các địa phương như TP.Bà Rịa, TP.Vũng Tàu, huyện Tân Thành đã đề xuất mua lại một số dự án nhà ở thương mại để làm quỹ nhà ở xã hội (NƠXH) và tái định cư (TĐC). Đây có thể coi là một cách làm phù hợp trong bối cảnh hiện nay nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, giải phóng hàng tồn kho. Nhưng thực tế, việc mua lại các dự án nhà ở thương mại vẫn chưa thể diễn ra theo như mong đợi của DN.
|
Dự án Lan Anh 2 đã hoàn thành phần hạ tầng, phân lô, tách thửa là một trong những dự án được đề xuất mua lại để làm nhà ở thương mại, tái định cư cho TP.Bà Rịa. |
Theo bà Nguyễn Nam Phương, Tổng Giám đốc Công ty Lan Anh, suốt nhiều tháng qua đã có các cuộc họp bàn về việc mua lại nhà ở thương mại của các DN nhưng vẫn chưa có được quyết định chính thức cho DN. “Tôi cho rằng sự trông đợi của DN vào việc Nhà nước tháo gỡ khó khăn cho DN là có. Nhưng vấn đề là việc áp dụng phải càng nhanh càng tốt, nếu quá chậm trễ thì vừa hạn chế tác dụng giải cứu vừa làm suy giảm lòng tin của DN. Nếu cứ kéo dài thời gian như từ đầu năm đến nay thì DN sẽ rơi vào tình trạng phá sản, đến lúc đó không phải chỉ có DN lao đao mà chính Nhà nước và cả những người dân lao động, các tổ chức tín dụng cũng sẽ rơi vào tình thế khó khăn” – bà Nguyễn Nam Phương nói.
Theo các DN kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh, thực chất của việc mua lại nhà ở thương mại là thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 02 của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Cụ thể là tại điểm I khoản 1 Mục I Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ quy định: “Các địa phương có tồn kho sản phẩm bất động sản lớn hạn chế tối đa sử dụng nguồn ngân sách để đầu tư, xây dựng mới nhà ở TĐC mà dùng nguồn vốn này và các nguồn tài chính hợp pháp khác để mua lại các dự án nhà ở thương mại phục vụ nhu cầu TĐC, làm NƠXH để cho thuê hoặc cho thuê mua cho các đối tượng chính sách: Người thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động. Bộ Tài chính tính toán, báo cáo Chính phủ hỗ trợ ứng trước một phần ngân sách cho địa phương giải quyết nhu cầu này”.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản gửi Sở Xây dựng các tỉnh thành phố hướng dẫn việc dùng vốn ngân sách để mua lại các dự án nhà ở thương mại phục vụ nhu cầu TĐC, NƠXH. Theo đó, trên cơ sở rà soát các dự án nhà ở thương mại đang triển khai và nhu cầu nhà ở TĐC, NƠXH trên địa bàn, Sở Xây dựng có thể đề xuất UBND tỉnh sử dụng nguồn vốn ngân sách để mua lại các dự án nhà ở thương mại. Theo Bộ Xây dựng, việc xác định giá mua tài sản (bao gồm cả bất động sản) từ nguồn ngân sách địa phương do Sở Tài chính địa phương chủ trì thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, để triển khai nhanh việc xác định giá, Sở Xây dựng thuê công ty thẩm định giá (trong danh sách của Bộ Tài chính) để thẩm định, trước khi Sở Tài chính lập hội đồng thẩm định.
Rõ ràng việc dùng nguồn vốn ngân sách tỉnh để mua lại các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh để chuyển đổi thành quỹ nhà tái định cư, nhà ở xã hội là phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết 02 của Chính phủ. Theo ông Đoàn Hữu Thuận, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Nhà Bà Rịa-Vũng Tàu, để các DN hưởng được sự hỗ trợ của Chính phủ, điều quan trọng nhất là đẩy nhanh việc thực hiện trình tự, thủ tục mua nhà ở thương mại từ phía các DN kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh. “Nếu kéo dài quá lâu thì DN có khả năng mất đi cơ hội được hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc giải phóng hàng tồn kho, kích cầu thị trường, tránh được sự lãng phí trong đầu tư xây dựng”, ông Thuận nói.
Bài, ảnh: PHÚC MINH
BÀ NGUYỄN NAM PHƯƠNG, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY LAN ANH:
Đừng để doanh nghiệp rơi vào tình trạng bế tắc
Thời gian qua, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Xây dựng đã có văn bản gửi các doanh nghiệp về việc mua lại nhà ở thương mại để bố trí làm nhà ở xã hội và tái định cư. Doanh nghiệp chúng tôi cũng có văn bản đề xuất nhà nước mua lại Dự án Lan Anh 4, Lan Anh 2, Lan Anh 5. Dự án của chúng tôi đã sẵn sàng, chỉ mong tỉnh sớm có quyết định mua lại thì Công ty Lan Anh sẽ bàn giao ngay các căn hộ và đất nền để Nhà nước làm quỹ nhà ở xã hội và tái định cư.
Tôi cho rằng việc mua lại hàng tồn kho bất động sản để làm NƠXH và TĐC thì cũng phải làm nhanh giúp các DN thoát khỏi tình trạng bế tắc.
ÔNG TRỊNH HÀNG, CHỦ TỊCH HĐQT CÔNG TY CP XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ TỈNH:
Giải quyết tốt việc hỗ trợ DN sẽ kích thích đầu tư
Chủ trương từ Chính phủ đã có. Vấn đề quan trọng nhất là các ngành, các cấp cần quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ, tháo gỡ khó khăn cho DN. DN bất động sản giải quyết được hàng tồn kho thì có nhiều điều kiện để tái sản xuất. Về phía Nhà nước thì có sản phẩm phục vụ nhu cầu TĐC, làm NƠXH cho các đối tượng chính sách: Người thu nhập thấp, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động, người dân. Mặt khác tiết kiệm được vốn đầu tư và tránh được các khiếu kiện liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Một vấn đề quan trọng nhất là thông qua việc giải quyết khó khăn cho DN sẽ tạo ra môi trường thu hút đầu tư vào tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
ÔNG LÊ THIỆN, GIÁM ĐỐC KINH DOANH CÔNG TY ĐỊA ỐC KHANG LINH:
Càng chậm càng mất đi ý nghĩa hỗ trợ doanh nghiệp
Chủ trương mua lại các dự án nhà ở thương mại từ phía DN một mặt giải quyết được nhu cầu TĐC, làm NƠXH tại các địa phương. Mặt khác còn giúp DN vượt qua khó khăn. Vì vậy, thủ tục càng nhanh bao nhiêu thì càng có ý nghĩa hỗ trợ DN bấy nhiêu. DN cần là cần sự hỗ trợ ngay lúc này đây, chứ nếu thời gian thực hiện thủ tục, trình tự mua lại các dự án nhà ở thương mại kéo dài quá lâu thì vấn đề giải cứu DN sẽ khó phát huy tác dụng và mất đi ý nghĩa hỗ trợ DN. |