Sau những giờ làm các việc vất vả như: xẻ cá, đi ghe, bán vé số, câu mực, lượm ve chai… các em lại tranh thủ lên chùa theo học tại các lớp học tình thương ở trường tư thục sơ cấp Kiều Đàm (thuộc chùa Qui Sơn, 48/2 Trần Phú, TP. Vũng Tàu).
|
Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng các em học sinh ở trường tư thục sơ cấp Kiều Đàm vẫn luôn đến trường đều đặn. |
Những gương mặt đen nhẻm, thân hình gầy gò, nhiều em nhỏ hơn so với tuổi, có em đã 10-12 tuổi nhưng vẫn đang theo học lớp 1, 2… đó là những ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp các em học sinh tại trường tư thục sơ cấp Kiều Đàm. Điểm chung nhất của các em tại trường này là gia đình đều có hoàn cảnh rất khó khăn từ nhiều tỉnh, thành khác lên Vũng Tàu sinh sống. Hiện tại, các em đang sống cùng gia đình tại các nhà trọ xung quanh khu vực Bến Đá, Bến Đình, không có điều kiện theo học tại các trường công lập. Ngoài thời gian theo học lớp tình thương ở chùa Qui Sơn, hàng ngày, các em còn phải theo cha mẹ đi xẻ cá, đánh cá, câu mực, bán vé số…
Em Lê Tiểu Muội, 12 tuổi, học sinh lớp 2 (quê ở Cà Mau) cho biết, ba em làm nghề đánh bắt cá, còn em và mẹ đi xẻ cá thuê tại các vựa cá ở khu vực Bến Đá, Bến Đình. Hàng ngày, Tiểu Muội phải thức xẻ cá thuê từ 12 giờ đêm đến sáng hôm sau mới về nhà. Sau đó, Tiểu Muội lại tất bật chạy đến trường để kịp vào giờ. Do bận đi làm thuê, có lúc em phải nghỉ học nên theo học tại trường Kiều Đàm đã 3 năm nay, nhưng Tiểu Muội chỉ mới học đến lớp 2. “Học ở đây em vui lắm, vì có đông bạn bè, lại được chơi nhiều trò chơi cùng các bạn nữa. Em muốn học để biết chữ, sau này lớn lên có thể tìm được công việc”, đó là ước mơ giản dị của Tiểu Muội. Còn em Phan Văn Bảo 13 tuổi, học sinh lớp 3 có hoàn cảnh đáng thương hơn. Bố mẹ ly hôn và bỏ đi từ lúc em còn nhỏ, để lại Bảo sống với ông bà nội. Hàng ngày, ngoài giờ đi học, Bảo phụ giúp bà nội bán rau ở chợ Vũng Tàu. “Mẹ dẫn anh trai của em đi rồi, em chỉ được gặp anh trai qua bà ngoại vài lần nhưng không gặp được mẹ. Em chỉ biết mẹ qua ảnh bà nội giữ lại thôi. Em muốn gặp và nói chuyện với mẹ lắm”, Bảo nói trong nước mắt. Hoàn cảnh đáng thương vậy nhưng Bảo vẫn là đứa cháu chăm ngoan của ông bà, cậu học sinh học tốt ở trường Kiều Đàm.
Cô Diệu Hân (nhà ở 166 Bạch Đằng), 1 trong 3 giáo viên của trường cho biết, cô tham gia dạy lớp học này đã 8 năm nay. Vì tình thương, sự yêu quý, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn của những em học sinh nghèo mà trong những năm qua, hàng ngày cô vẫn đứng lớp để “gieo” những con chữ với mong muốn cho các em biết đọc, biết viết, biết tính toán để khi ra đời không gặp khó khăn, trở ngại. Cô Diệu Hân nhớ mãi một kỷ niệm: “Cách đây mấy năm, trong một giờ học môn Tiếng Việt, thấy có em học sinh đang viết chữ nhưng bàn tay run run, vẻ mặt mệt mỏi, tôi hỏi ra mới biết, đi làm về em ấy chạy lên lớp học cho kịp giờ chứ chưa kịp ăn gì. Còn có những em khác đi học, trong túi còn có xấp vé số bán dở. Các em học sinh ở đây đáng thương lắm”.
Trường tư thục sơ cấp Kiều Đàm được xây dựng năm 1969 để dạy chữ cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đến trường. Trường gồm 2 phòng học, dạy từ lớp 1 đến lớp 5. Giờ học của trường bắt đầu từ 7-9 giờ sáng, từ thứ 2-6 hàng tuần. Hiện tại, trường có 2 lớp: 1 và 2, các em học sinh có độ tuổi từ 6 đến 14 tuổi. Các giáo viên tại đây đều không có nghiệp vụ sư phạm, nhưng trong những năm qua, hàng ngày họ vẫn đều đặn dành thời gian đứng lớp để hướng dẫn cho các em biết đọc, biết viết, biết tính toán. Theo học tại trường, các em học sinh được chùa Qui Sơn phát sách, vở, bút miễn phí. Cô Diệu Hân cho biết thêm, mấy năm gần đây, UBND phường 5 còn cấp sách, vở, dụng cụ học tập, chùa cũng vận động các phật tử và mạnh thường quân để mua quà nhằm động viên, khuyến khích các em học sinh đến trường đều đặn.
Bài, ảnh: CẨM NHUNG