Nuôi lợn rừng mỗi năm cho thu nhập hơn 200 triệu đồng - đó là cách làm hay của gia đình ông Nguyễn Hồng Phước ở xã Đăk Jơta thuộc huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai)...
* Nuôi lợn rừng mỗi năm cho thu nhập hơn 200 triệu đồng
Đó là cách làm hay của gia đình ông Nguyễn Hồng Phước ở xã Đăk Jơta thuộc huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai). Hiện nay trong chuồng nhà ông có hơn 100 con lợn rừng lai F1, trong đó có hơn chục con đang trong thời kỳ sinh sản. Năm nào ông cũng cung cấp hàng chục con lợn giống cho các hộ dân trong vùng để nuôi, đồng thời bán ra một lượng lớn lợn thịt cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn, thu nhập hơn 200 triệu đồng.
Năm 2008, mô hình nuôi lợn rừng ở huyện Mang Yang bắt đầu triển khai trong các hộ dân trên địa bàn với phương thức hỗ trợ 60% giá trị con giống, song chẳng ai dám nhận mua giống để phát triển, bởi đây là mô hình còn quá mới mẻ, hơn nữa tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc gần như năm nào cũng tái diễn ở nhiều mức độ khác nhau, gây thiệt hại về kinh tế đối với người chăn nuôi. Tuy nhiên, gia đình ông Nguyễn Hồng Phước đã mạnh dạn bỏ ra 15 triệu đồng mua 4 con lợn rừng giống của dự án để nuôi, với hy vọng sẽ phát triển đàn thành công. Trên thửa đất vườn 500m2, ông Phước đã đầu tư xây dựng tường rào bằng thép cao 2m kiên cố để nuôi nhốt theo đặc tính tự nhiên của loại lợn rừng này. Ông tận dụng một số loại sản phẩm cây trồng sẵn có trên địa bàn để làm thức ăn cho lợn rừng như khoai lang, cây chuối, mì lát..., đàn lợn đã mau chóng thích nghi và tăng trọng nhanh.
Để có được kết quả như ngày hôm nay, ông Phước đã bỏ công sức rất lớn chủ động tìm đến những nơi có nuôi lợn rừng để học tập kỹ thuật phát triển đàn, đúc kết kinh nghiệm từ thực tế để nuôi có hiệu quả. Ông tìm hiểu từ khâu chọn thức ăn cho đàn lợn, đến khâu xây dựng chuồng trại, quan trọng nhất vẫn là khâu chăm sóc cho lợn đến thời kỳ sinh sản. Ông Nguyễn Hồng Phước cho biết: Lợn rừng sinh sản bình quân một năm cho 2 lứa, mỗi lứa từ 10 - 14 con và có giá trị kinh tế rất cao. Cái khó nhất là kỹ thuật chăm sóc cho lợn đẻ, ban đầu chưa có kinh nghiệm nên đàn lợn con đẻ ra bị chết nhiều do nhiễm bệnh. Đặc tính của lợn rừng là đẻ tự nhiên, không cần thiết có sự can thiệp của bàn tay con người như các giống lợn khác; hơn nữa môi trường xung quanh phải sạch sẽ và thoáng mát.
Thấy gia đình ông Nguyễn Hồng Phước nuôi lợn rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao, tại khu vực trung tâm huyện Mang yang đã có hàng chục hộ đầu tư chăn nuôi lợn rừng, mỗi hộ vài ba con. Tuy còn ở quy mô nhỏ lẻ, song đây là tín hiệu vui, bởi trên địa bàn đã có hướng mở ra nghề chăn nuôi mới, tăng hiệu quả kinh tế và nâng cao chất lượng sản phẩm./.
* Nghề đan đác phát triển mạnh
Đan đác là một nghề truyền thống có từ hơn 40 năm nay ở thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Gần đây do nhu cầu sử dụng các sản phẩm đan đác để đựng, vận chuyển các mặt hàng nông sản, vật liệu xây dựng, đồ gia dụng tăng cao, nên nghề đan đác ở Ngã Bảy cũng phát triển nhanh để đáp ứng nhu cầu.
Theo Phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy, hiện trên địa bàn thị xã có khoảng 800 lao động chuyên sống bằng nghề đan đác, tăng gần gấp 3 lần so với trước đây. Trong đó, Hợp tác xã ( HTX) tiểu thủ công nghiệp đan đác ở khu vực 6, phường Ngã Bảy là nơi tập trung đông hộ dân nhất sống bằng nghề đan đác. Do nằm ngay bên cạnh chợ nổi Ngã Bảy và tuyến sông Cái Côn có thể lưu thông bằng đường thủy đi khắp các tỉnh miền Tây, nên nhu cầu sử dụng cần xé và các sản phẩm đan đác khác để đựng hàng hóa nông sản, trái cây rất lớn. Chỉ trên một đoạn ngắn khoảng 1 km cạnh bờ sông Cái Côn, nhưng có tới hàng trăm hộ dân sống bằng nghề đan đác. Riêng tại HTX tiểu thủ công nghiệp đan đác phường ngã Bảy đã có tới 48 hộ với 128 lao động tham gia. Ở đây mỗi lao động làm ra bình quân được 5 sản phẩm/ngày, với mức lợi nhuận khoảng 100.000 đồng/người. Các sản phẩm đan đác chủ yếu là cần xé, rổ, thúng, sọt các loại.
Ông Lê Hồng Nên, Chủ nhiệm HTX cho biết: Do các loại nguyên liệu phục vụ nghề này là tre, trúc, mây, dây kẽm các loại tại địa phương rất phong phú. Nghề này cũng đòi hỏi ít vốn và sử dụng lao động thủ công là chính, nên gần đây đã thu hút được nhiều lao động địa phương tham gia và đem lại nguồn thu nhập khá. Hiện tại, các sản phẩm đan đác của HTX cung cấp cho khắp các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh miền Đông. Nghề đan đác cũng có mặt thuận lợi là có thể làm đều đặn trong suốt cả năm, trong đó sản phẩm bán được nhiều nhất vào mùa thu hoạch trái cây rộ như hiện nay. Sản phẩm chỉ khó bán trong những tháng mưa dầm.
Về kế hoạch sắp tới, ông Lê Hồng Nên cho biết: HTX đang dự kiến xin vay vốn mua thêm máy vót tre (xưa nay chỉ vót tre bằng tay), nhằm giảm bớt sức lao động, tăng nhanh năng suất, đồng thời sẽ cho các xã viên học hỏi thêm cách làm các mặt hàng đan ghế mây, sọt… có giá trị cao hơn để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Khó khăn lớn nhất của HTX hiện nay là thiếu vốn để mua nguyên liệu và máy móc. Đây là nghề giúp một số địa phương ít đất sản xuất giải quyết được bài toán về công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho bà con./.