TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Sáu, 22/11/2024
Tin tức trong nước
Tin tức trong tỉnh
Tin thế giới
Tổng quan về xã
Hoạt động UBND
Sản phẩmGương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
Dịch vụ
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Mùa thu hoạch lúa

Chăm sóc cây ăn quả

Mô hình nuôi nhím hiệu quả kinh tế cao

Lượt truy cập: 347503
  TIN TỨC TRONG TỈNH

  Mùa du lịch hành hương
25/02/2014

Trong thế giới tâm linh của người Việt, tháng Giêng là tháng hành hương, trẩy hội. BR-VT xếp thứ 2 khu vực Đông Nam bộ (sau TP. Hồ Chí Minh) về số lượng di tích lịch sử - văn hóa nên cũng thu hút rất đông khách du lịch hành hương vào dịp này.

Khách hành hương viếng Hòn Bà (TP. Vũng Tàu) dịp Rằm tháng Giêng vừa qua.
             Khách hành hương viếng Hòn Bà (TP. Vũng Tàu) dịp Rằm tháng Giêng vừa qua.

Chuyển hướng về BR-VT

Theo các đơn vị lữ hành chuyên đưa khách đến BR-VT, mùa du lịch hành hương bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán, nhưng sôi động nhất là sau Rằm tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3. BR-VT có 44 di tích văn hóa, lịch sử, tâm linh cấp quốc gia và cấp tỉnh nên thu hút khá đông khách về hành hương.

Chị Nguyệt Hương, hướng dẫn viên Công ty lữ hành LT Travel (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, nếu như năm trước, khách Việt kiều và tiểu thương từ TP. Hồ Chí Minh mua tour đi các tỉnh miền Bắc dự lễ hội chùa Hương, chùa Bái Đính, Yên Tử hoặc lên vùng Tây Bắc nhiều, thì năm nay có dấu hiệu chuyển hướng về BR-VT. Rải rác từ tết đến cuối tháng Giêng, ngày nào đơn vị cũng có tour đưa khách về BR-VT đi các điểm tôn giáo kết hợp tham quan danh thắng, tham gia các sự kiện lễ hội văn hóa, mua sắm... “Đường sá đi lại thuận tiện, thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây đến BR-VT rút ngắn, thời tiết mát mẻ, BR-VT ngày càng đủ đầy dịch vụ ăn uống, mua sắm, giải trí là những yếu tố hút khách hành hương”, chị Nguyệt Hương nhận định.

Trong tháng 2 âm lịch, BR-VT còn hai lễ hội lớn là lễ hội Dinh Cô Long Hải (từ ngày 10 đến 12-2 âm lịch) và lễ Vía Ông Long Sơn (20-2 âm lịch). Hai lễ hội này thu hút đông đảo khách hành hương đến từ các tỉnh, thành trong khu vực miền Đông và Tây Nam bộ. Đến thời điểm này, công tác tổ chức, bố trí nơi ăn chốn ở cho khách, bảo đảm an ninh trật tự để lễ hội diễn ra thành công đang được huyện Long Điền và xã đảo Long Sơn (TP.  Vũng Tàu) ráo riết chuẩn bị.

Đầu tư cho du lịch tâm linh

Trong quy hoạch loại hình du lịch chủ yếu để phát triển, ngành du lịch BR-VT xác định du lịch tâm linh là một phần không thể thiếu. Từ đó, tỉnh BR-VT chủ trương khôi phục, tôn tạo một số di tích văn hóa lịch sử và những nghi lễ đi kèm phục vụ phát triển du lịch. Một trong những sự kiện khởi đầu thể hiện quyết tâm làm sống lại di tích là việc tái hiện thành công lễ hội bắn súng thần công theo nghi thức truyền thống thời Nguyễn trong dịp Festival Biển năm 2006. Sau đó, năm 2007, tỉnh đã đúc mới 3 khẩu súng thần công để sử dụng cho Khai hội Văn hóa - Du lịch và các sự kiện văn hóa lớn của tỉnh. Đến nay, lễ hội bắn súng thần công đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo của BR-VT được đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài nước đón chờ.

Bên cạnh đó, các di tích lịch sử như: Trận địa pháo cổ Sao Mai - Núi Lớn, địa đạo Long Phước, bia tưởng niệm đường Hồ Chí Minh trên biển Lộc An, nhà tù Côn Đảo… cũng được trùng tu, tôn tạo hoặc xây dựng nhằm phục vụ du khách. Những nỗ lực này đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành du lịch đạt hơn 15%, lượng khách và doanh thu du lịch năm sau luôn cao hơn năm trước, thương hiệu du lịch BR-VT ngày càng được biết đến và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.

Bà Mai Trâm, Việt kiều Canada, cho biết, bà theo gia đình sang Canada định cư từ năm 1997. Vào thời điểm ấy, BR-VT chỉ có biển và vài điểm tham quan nhỏ lẻ. Sau gần 20 năm xa xứ trở về, bà vô cùng ngạc nhiên vì sự thay đổi mau chóng của quê hương mình. Dịp Tết Giáp Ngọ vừa qua, bà và các con được xem đêm nghệ thuật mừng Khai hội Văn hóa - Du lịch ở TP. Bà Rịa và được biết chủ trương của tỉnh trong năm 2014 là đầu tư tôn tạo các điểm di tích lịch sử phục vụ du lịch. “Tôi nghĩ việc làm này rất ý nghĩa và kịp thời nhằm làm sống dậy giá trị của hệ thống di tích trên địa bàn vì khách nước ngoài rất thích tìm hiểu văn hóa, lịch sử. Năm sau nếu có điều kiện, tôi sẽ đưa các con về Việt Nam ăn Tết, tham quan các di tích, danh thắng để các cháu hiểu hơn về văn hóa truyền thống và quá trình đấu tranh xây dựng quê hương của các thế hệ đi trước”- bà Mai Trâm khẳng định.

Theo baobariavungtau.com.vn ngày 23/02/2014
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 881 204 - Fax: (84.064) 3 881 204
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu