Từ năm 2006 đến nay, UBND tỉnh đã thực hiện chương trình dạy nghề miễn phí cho trẻ em nghèo, trẻ em lang thang, cơ nhỡ nhằm tạo việc làm ổn định cho các em. Chương trình đã giúp nhiều em được học nghề, có thu nhập ổn định khi đến tuổi trưởng thành để tự nuôi sống bản thân, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
|
Nguyễn Anh Kiệt sửa xe cho khách tại cơ sở của mình. |
Mới 21 tuổi nhưng Nguyễn Anh Kiệt (52 Ô3, khu phố Thanh Long, thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ) đã có một cửa hàng sửa chữa xe máy của riêng mình. Kiệt kể, em mồ côi cha từ nhỏ, mẹ làm nghề bán hàng dạo, cuộc sống gia đình khó khăn nên phải nghỉ học giữa chừng để đi làm phụ mẹ. Năm 2010, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) huyện Đất Đỏ đã tạo điều kiện cho em học nghề sửa chữa xe máy miễn phí. Sau hơn 2 năm vừa học vừa làm, Kiệt tích góp được ít vốn và mở một cửa tiệm riêng. Kiệt cho biết: “Nhờ được học nghề miễn phí nên giờ em đã có việc làm, tự nuôi sống được bản thân, thỉnh thoảng còn phụ giúp thêm cho mẹ”. Hiện tại, cơ sở sửa xe của Kiệt đã có lượng khách hàng ổn định với thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng.
Theo Sở LĐ-TB-XH, mỗi năm toàn tỉnh có 20 - 30 trẻ em thuộc diện mồ côi, cơ nhỡ, trẻ em nghèo trong độ tuổi từ 13 đến 16 được học nghề miễn phí. Các nghề được đào tạo chủ yếu là may mặc, uốn tóc, sơn sửa móng tay, sửa xe... Chương trình dạy nghề này được UBND tỉnh triển khai từ năm 2006 đến nay. Các em được học nghề trong thời gian 9 tháng, với mức hỗ trợ học phí 450 ngàn đồng/tháng/em và tiền ăn là 250 ngàn đồng/tháng/em. Tuy nhiên, không phải trẻ em nào cũng học thành nghề sau 9 tháng. Nhiều em phải kéo dài thời gian học lên 1 năm, thậm chí là 2 năm. Với những trường hợp học dài hơn so với thời gian quy định, Phòng LĐ-TB-XH các địa phương phải vận động các chủ cơ sở liên kết dạy nghề miễn, giảm học phí cho các em hoặc vừa học, vừa làm để trừ học phí. Bên cạnh đó, các địa phương còn phải thường xuyên thăm hỏi, động viên các em đi học đều đặn.
Tuy chương trình được đánh giá cao vì mang lại hiệu quả thiết thực nhưng vẫn còn gặp khó khăn khi triển khai do kinh phí và chỉ tiêu cho mỗi địa phương ít. Theo đại diện lãnh đạo một số Phòng LĐ-TB-XH, UBND tỉnh cấp kinh phí và phân bổ chỉ tiêu cho mỗi huyện, thành phố chỉ 2-3 em/năm được học nghề miễn phí là quá ít so với số trẻ em lang thang, cơ nhỡ, có nhu cầu học nghề trên từng địa bàn. Bà Trần Thị Mỹ, Phó trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Đất Đỏ kiến nghị: “UBND tỉnh cần tăng chỉ tiêu hỗ trợ trẻ em học nghề miễn phí lên 4-5 em/năm hoặc dựa trên tình hình thực tế từng địa phương để mục tiêu giải quyết việc làm cho trẻ em nghèo sớm đạt hiệu quả cao”.
Ông Lê Đức Trí, Trưởng phòng Chăm sóc bảo vệ trẻ em (Sở LĐ-TB-XH) cho biết, từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 222 trẻ em nghèo được học nghề miễn phí. Hiện tại, các em đã có việc làm, thu nhập ổn định từ 2 triệu đồng/tháng trở lên. “Số em được học nghề miễn phí hàng năm ở từng địa phương còn ít là do ngân sách địa phương hạn chế và còn nhằm chọn ra những đối tượng học nghề thích hợp, có nhu cầu học nghề thật sự và gắn bó với nghề lâu dài chứ không hỗ trợ dàn trải, gây lãng phí. Theo kinh phí được duyệt, năm 2014 cả tỉnh sẽ có khoảng 20 trẻ em nghèo, trẻ em lang thang, cơ nhỡ được học nghề”, ông Lê Đức Trí nói.