Sau hơn một năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nền nông nghiệp Quảng Nam đã có diện mạo tươi sáng hơn, đưa giá trị sản xuất cao hơn nhiều so với sản xuất lúa, trong đó cây ngô, cây lạc khẳng định tính ổn định và bền vững.
Tỉnh Quảng Nam chỉ có hơn 113.000 ha sản xuất nông nghiệp, mặc dầu cơ cấu cây trồng của tỉnh khá phong phú nhưng lúa vẫn là cây trồng chính với hơn 87.000 ha gieo trồng, chiếm tỉ lệ 54,7% diện tích gieo trồng cây hằng năm. Tuy nhiên phần lớn diện tích đất lúa có độ phì thấp nên hiệu quả canh tác không cao, mặt khác các tác động của biến đổi khí hậu như thực trạng thiếu nước do khô hạn, rét lạnh ở vụ đông xuân và nắng nóng ở vụ hè thu đã tăng rủi ro cho sản xuất lúa nước.
Cây ngô, cây lạc khẳng định tính ổn định và bền vững trên đất Quảng Nam.
"Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vẫn đang tiếp tực tập trung đẩy mạnh. Hai cây trồng được hướng đến trong công thức chuyển đổi đã dưa vào chủ trương của tỉnh là ngô và lạc vì đây là 2 cây có đầu ra tương đối ổn định, hiệu quả kinh tế gấp 2-3 lần trồng lúa nước. Năm 2013, Quảng Nam có 13.333 ha ngô, hơn 10.000 ha lạc được gieo trồng. Mục tiêu đề ra từ nay cho đến năm 2015, tỉnh cố gắng chuyển đổi từ 1.500 – 2000 ha lúa sang canh tác cây màu hoặc luân canh lúa với cây rau màu, và đến năm 2020 khoảng 5.000 ha đất lúa có tưới bố trí chuyển đổi luân canh với cây trồng cạn. Trong tình trạng thiếu nước tưới như hiện nay thì cây màu là cây được lựa chọn trong việc chuyển đổi sử dụng tiết kiệm nước trong điều kiện biến đổi khí hậu”.
Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Nam. | | Năm 2013, ngành nông nghiệp tỉnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả. Một số cây trồng cạn đã được lựa chọn và mang lại hiệu quả rõ rệt: diện tích rau đậu các loại hơn 20.000 ha, trong đó có trên 13.500 ha rau quả thực phẩm, sắn hơn 14.000 ha, ngô 13.000 ha, lạc 10.000 ha và tăng dần sau khi tỉnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đến nay không kể trên 1.500 ha đất lúa nước trời đã được chuyển đổi, cả tỉnh có hơn 7.000 ha cây trồng cạn trong hệ thống đất lúa nước với nhiều mô hình luân canh cao hơn hẳn canh tác 2 vụ lúa. Trong đó hiệu quả cao nhất phải kể đến cây rau quả thực phẩm trên đất lúa cho tổng thu nhập từ 100 – 200 triệu đồng/ha/năm, tuy vậy lại thiếu ổn định về giá cả và sức tiêu thụ. Tiếp theo là lạc, ngô, tuy có thu nhập thấp hơn nhưng đang được tỉnh định hướng lựa chọn nhờ mức độ ổn định về thị trường.
Thực hiện chủ trương này, nhiều diện tích sản xuất lúa 2 vụ ở các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc đã chuyển sang cây rau màu đem lại giá trị lợi nhuận cao như ngô, bầu bí, rau màu, chuối lùn.
|
Tại cánh đồng màu thôn Phú Đông, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn có 6 ha được chuyển từ ruộng lúa sản xuất 2 vụ mà năng suất kém sang trồng bắp, đậu phụng, ớt, rau màu… Lý do chuyển đổi của bà con nông dân ở đây là vì: đầu ra của các cây này ổn định, hiệu quả kinh tế gấp 2-3 lần trồng lúa. Ví dụ đối với 1 sào ớt nếu giá ớt trung bình 5.000 đồng/kg thì 1 sào ớt thu từ 7,5 – 8 triệu đồng, gấp 3 – 4 lần sản xuất lúa.
Ở xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, có 539 ha đất nông nghiệp thì đã chuyển 139 ha diện tích đất sản xuất lúa 2 vụ bấp bênh sang trồng hoa màu, trong đó có 65 ha ngô, 45 ha lạc và 29 ha các loại cây trồng khác. Ông Lương Văn Dũng ở thôn Lang Châu Bắc (huyện Duy Xuyên) canh tác 7 sào rau màu gồm ngô, bí, cà, mồng tơi…mỗi loại 1 sào, gia đình ông là một trong 20 hộ tham gia chương trình VietGAP chia sẻ: “1 sào bí Tara 888 thu được 3,2 tấn quả, với giá 6.000 đồng/kg, ông thu được trên 19 triệu đồng, gấp 10 lần sản xuất lúa”.
Ở thôn Bầu tròn, xã Đại An huyện Đại Lộc, cây lạc được trồng chuyên canh hoặc xen canh với cây ngô, đu đủ sản xuất trên đất chuyên trồng màu.
Phần lớn diện tích trồng lúa bấp bênh được chuyển sang trồng các mô hình có hiệu quả như: Lạc/ngô đông xuân – Lúa/ngô hè thu; Lúa đông xuân – Dưa hấu xuân hè – Lúa hè Thu; Dưa hấu đông xuân – Dưa hấu xuân hè – lúa hè thu; Lúa đông xuân – Ngô/lạc hè thu.
Độc đáo và thú vị phải kể đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở huyện Đại Lộc, trong cơ cấu đất lúa 5.400 ha thì nay chuyển sang luân canh với màu 1.000 ha. Trong đó có 200 ha chuyển sang trồng chuối lùn trên đất 2 vụ lúa mà năng suất đạt trên 7 tấn mỗi ha 1 vụ. Bà Nguyễn Thị Năm – thị trấn Ái nghĩa, huyện Đại Lộc cho biết, gia đình bà trồng 1 mẫu (5.000m2 = 10 sào) chuối lùn, mỗi năm thu được 50 triệu đồng, tương đương với 5 triệu đồng/sào.
Năm 2013 Quảng Nam có 13.333 ha ngô, hơn 10.000 ha lạc được gieo trồng. Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam cho biết: “Mục tiêu đề ra từ nay cho đến năm 2015, tỉnh cố gắng chuyển đổi từ 1.500 – 2000 ha lúa sang canh tác cây màu hoặc luân canh lúa với cây rau màu, và đến năm 2020 khoảng 5.000 ha đất lúa có tưới bố trí chuyển đổi luân canh với cây trồng cạn. Trong tình trạng thiếu nước tưới như hiện nay thì cây màu là cây được lựa chọn trong việc chuyển đổi sử dụng tiết kiệm nước trong điều kiện biến đổi khí hậu”.
Trên con đường tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, sự đa dạng phong phú về chủng loại cây trồng, những yêu cầu thực tế của thị trường, ngành nông nghiệp, các địa phương và bà con nông dân Quảng Nam không ngừng tìm tòi sáng tạo nhằm sử dụng phát huy tiềm năng thế mạnh của từng mùa vụ, từng chân đất, vùng đất, từng loại cây trồng để đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
Sau hơn một năm chuyển đổi, nền nông nghiệp Quảng Nam đã có diện mạo tươi sáng hơn, đưa giá trị sản xuất cao hơn nhiều so với sản xuất lúa, trong đó cây ngô, cây lạc khẳng định tính ổn định và bền vững, các cây trồng khác mang lại hiệu quả cao nhưng vẫn còn nhiều bấp bên nên người dân chưa thực sự an tâm. Do đó ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung cần chung tay xây dựng các chính sách cơ giới hóa cho cây trồng cạn, có các đề án xúc tiến về liên kết chế biến thị trường đầu ra cho cây trồng cạn.