Sau 3 năm trở lại thăm gia đình anh Nguyễn Ngọc Vân, tại tổ dân phổ 7 - phường Nghĩa Phú - thị xã Gia Nghĩa những đổi thay mà chúng tôi được chứng kiến là thành quả sau một thời gian dài vợ chồng anh đã bỏ bao công sức để chuyển đổi một vùng đất xấu, cây trồng kém hiệu quả thành một vườn cây ăn quả với nhiều loài như quýt đường, cam, bưởi da xanh, bơ trái vụ…
Với diện tích ban đầu 4 ha chỉ trồng cà phê và điều, thấy cho hiệu quả thấp, năm 2009, anh chị quyết định đầu tư vào cải tạo vườn chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Vợ chồng anh Vân bắt tay vào kiến thiết vườn, phá bỏ toàn bộ diện tích cây điều để cải tạo trồng quýt đường 3 ha; bưởi, xen bơ và măng cụt trong vườn cà phê 1 ha. Sau hơn 2 năm kiến thiết cơ bản, năm 2012 vườn quýt của anh đã cho thu hoạch, sang năm 2013 vườn bưởi cũng cho thu bói. Ngoài ra, anh còn trồng xen ổi trong vườn cam, quýt, vì cây ổi có tác dụng đuổi rầy chổng cánh - tác nhân chính truyền bệnh vàng lá.
Anh Nguyễn Ngọc Vân bên vườn quýt của gia đình
Vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, anh tìm hiểu kiến thức qua sách báo và từ những người đi trước, tư vấn của các nhà khoa học; anh đã đến thăm các mô hình trồng cây ăn trái ở trong và ngoài tỉnh để tham khảo phương pháp trồng và kỹ thuật chăm sóc cây với hy vọng áp dụng cho vườn cây của gia đình đạt năng suất cao.
Qua quá trình theo dõi, anh Vân cho biết, cây cam quýt sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh hại, hơn 2 năm sau trồng cây cho quả, chất lượng quả đạt yêu cầu về độ ngọt, đẹp; điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở Đăk Nông rất thuận lợi cho cây ăn quả phát triển.
Theo kinh nghiệm của anh Vân, cam, quýt là những loại cây cần nhiều nước nên việc tưới nước cho cây là quan trọng, đặc biệt là trong mùa khô phải tưới liên tục, nếu thiếu nước quả sẽ xấu, không phát triển, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Cây bưởi và quýt thường mắc các loại bệnh như: thối rễ, nấm nên việc bố trí trồng một cách hợp lý cũng là biện pháp hạn chế sâu bệnh cho cây trồng, cho năng suất cao. Anh trồng xen cây bưởi, bơ và măng cụt, việc trồng xen canh này không chỉ làm tăng thêm thu nhập mà còn giảm công lao động, giảm chi phí nước tưới, tiết kiệm nguồn vốn đầu tư. Các loại cây ăn trái còn có tác dụng chống xói mòn, che bóng mát, chắn gió cho nhau, giúp tăng năng suất. Sâu hại chủ yếu trên cây cam quýt là: nhện đỏ, sâu vẻ bùa, ruồi vàng… anh áp dụng các biện pháp sinh học để phòng trị bệnh cho cây, theo anh không vườn cây nào không phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), nhưng với anh việc hạn chế thấp nhất việc phun thuốc BVTV cho vườn cây được anh đưa lên hàng đầu. Để đảm bảo vườn cây vừa không bị sâu bệnh hại vừa an toàn cho người sản suất, an toàn môi trường, an toàn cho nười tiêu dùng, anh áp dụng các công nghệ sinh học đó là dùng các loại bẫy được treo trên cây để dẫn dụ và tiêu diệt các loại côn trùng gây hại. Vợ chồng anh luôn tâm niệm rằng “Trong quá trình trồng cây chăm sóc ngoài lợi nhuận thì lương tâm của người trồng cây được đưa lên hàng đầu”.
Các loại cây trồng của anh được lựa chọn giống đảm bảo yêu cầu, anh đặt giống ở vựa cây ăn quả Bến Tre đảm bảo giống tốt, chất lượng, qua quá trình chăm bón đúng kỹ thuật, điều chỉnh cây ra hoa kết quả hợp lý. Với đặc điểm sinh thái của cây có múi được trồng tại vườn anh thường xuyên đảm bảo khâu chăm sóc như: cắt chồi, tỉa cành, tạo tán cho cây phát triển tán phù hợp. Nhờ bón phân hợp lý nên vườn cây ra hoa, kết trái đều đặn quanh năm. Ngoài việc bón các loại phân cân đối N-P-K cho cây trồng, các loại trung vi lượng, anh còn bón DAP – là loại phân bón phù hợp cho cây có múi. Một kinh nghiệm nữa mà anh đúc kết từ thực tế đó là, cây có múi rất cần canxi, nên việc bón vôi không chỉ cung cấp dưỡng chất canxi cho cây mà còn có nhiều tác dụng khác phân hóa học không có được như ngăn chặn sự suy thoái của đất, ức chế sự phát triển nấm bệnh trong đất, phát huy hiệu lực phân hữu cơ, vô cơ và thuốc diệt cỏ. Thiếu canxi cây yếu ớt dễ đổ ngã, sâu bệnh tấn công. canxi còn giúp cây trồng giải độc, tăng khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi nắng nóng, đất Tây Nguyên hàng năm bị rửa trôi xói mòn mạnh do vậy đất bị chua nên bón vôi là cần thiết.
Nhờ đầu tư chăm bón vườn cây đúng kỹ thuật, nên 3 ha quýt của gia đình anh phát triển khá tốt, sau bốn năm chăm sóc quýt đã cho thu hoạch.
Đến vụ thu hoạch, các loại cây ăn quả được thương lái đến tận vườn thu mua với số lượng nhiều; những lúc trái vụ số lượng ít thì anh bán tại chợ đầu mối chợ Gia Nghĩa và chợ Kiến Đức, vì vậy cây trái trong vườn không bao giờ tồn đọng hay không tiêu thụ được.
Hiện nay vợ chồng anh đang mở rộng diện tích trồng thêm 3 ha cam sành được hơn 1 năm tuổi, rút kinh nghiệm từ trồng quýt anh thiết kế vườn từ ban đầu và áp dụng kỹ thuật chăm sóc cho cây. Đối với vườn bưởi đang cho thu hoạch, anh tiếp tục tuyển chọn và chiết cành để gây giống trồng với diện tích bưởi xen bơ 2 ha, anh dự định sẽ mở rộng thêm diện tích cây bưởi da xanh và trồng 5.000 cây mít Chan gai giống Thái Lan. Việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật luôn được anh cập nhật và áp dụng để đảm bảo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và không gây ô nhiễm môi trường sinh thái. Anh luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như trao đổi, hướng dẫn bà con trồng cây ăn trái.
Anh Vân áp dụng phương pháp bọc quả bưởi và treo bã diệt côn trùng
Để tăng hiệu quả sản xuất, anh còn đưa 2 công nhân đi học kinh nghiệm tại các vườn trồng cam hiệu quả ở tỉnh Đồng Nai để có thể chăm sóc tốt hơn cho vườn cây của gia đình anh.
Hiện nay thu nhập từ vườn cây ăn quả của anh khá cao, 700 triệu đồng/năm; giá quýt dao động từ 25.000-30.000 đồng/kg; bơ: 30.000 đồng /kg; bưởi da xanh: 40.000 đồng/kg. Anh cho biết phần lớn anh tiếp tục đầu tư vào vườn cây đang kiến thiết, trong 1 năm nữa thì vườn cây của anh chị sẽ cho thu nhập ổn định.
Anh vân cho biết, thời gian tới Sở Khoa Học Công Nghệ tỉnh Đăk Nông sẽ chọn vườn cây ăn quả của gia đình anh để làm điểm trình diễn lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn quýt. Với công nghệ này sẽ tiện hơn trong việc chăm sóc cho cây đạt hiệu quả cao và giảm nhân công lao động. Trong năm nay gia đình anh Vân cũng đang làm thủ tục để Sở Nông Nghiệp PTNT tỉnh Đăk Nông cấp chứng nhận vườn cây ăn quả của anh đạt tiêu chuẩn VietGAP.
►Bà con nông dân muốn tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ mô hình trồng cây ăn của của gia đình anh Nguyễn Ngọc Vân có thể liên hệ theo địa chỉ: Tổ dân phố 7 - phường Nghĩa Phú - thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông. Điện thoại: 0984.808.595