Gia đình và thôn, ấp là môi trường sống của mỗi cá nhân và cộng đồng. Nếu môi trường đó được cải thiện điều kiện vệ sinh thì sức khỏe và chất lượng cuộc sống sẽ được nâng cao. Ngược lại, nếu vệ sinh gia đình và thôn, ấp không tốt thì đó chính là môi trường phát sinh ra nhiều bệnh tật gây tổn hại đến sức khỏe và cuộc sống của mọi người.
|
Thường xuyên vệ sinh nhà cửa là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. |
Vệ sinh gia đình
Vệ sinh gia đình là vệ sinh toàn bộ khu nhà, sân, vườn của gia đình, trong đó cần chú trọng một số nơi:
Nhà ở là nơi sống, làm việc và nghỉ ngơi của mọi thành viên trong gia đình. Nhà ở chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng dễ gây ra các triệu chứng như nhức đầu, mất ngủ, mệt mỏi, kém ăn… và dễ phát sinh ra nhiều bệnh nguy hiểm như: Thấp khớp, còi xương, suy dinh dưỡng, lao phổi, giun sán, hen suyễn…
Yêu cầu vệ sinh nhà ở: Thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông; đủ ánh sáng; nhà cửa, sân, vườn phải được thường xuyên quét dọn sạch sẽ; đồ đạc phải được sắp xếp gọn gàng ngăn nắp; không để gia súc, gia cầm vào nhà.
Vệ sinh nhà bếp: Nhà bếp nên bố trí nơi thoáng mát, cuối chiều gió so với nhà ở; đầy đủ ánh sáng; phải thường xuyên được quét dọn sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng; Không để lẫn lộn thức ăn chín với thức ăn sống. Những đồ dùng có thể gây thương tích (dao, kéo…) cần cất ở nơi an toàn, xa tầm với của trẻ em; không để chai lọ đựng hóa chất bảo vệ thực vật, bình phun hóa chất trong nhà bếp. Ở nông thôn, nên sử dụng bếp ít khói để tiết kiệm nhiên liệu, thời gian, đề phòng hỏa hoạn và tránh được các bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt.
Nhà tắm: Mỗi gia đình nên có một nhà tắm hợp vệ sinh để mọi người trong gia đình tắm rửa, vệ sinh cá nhân hàng ngày và tránh bị nhiễm lạnh khi tắm. Nhà tắm cần bố trí ở gần nguồn nước (bể nước, giếng nước) để lấy nước được thuận tiện. Nền nhà hơi dốc về phía rãnh thoát nước và không trơn trượt. Rãnh thoát nước được dẫn vào hố thấm nước của gia đình; thường xuyên dọn vệ sinh nhà tắm và khu vực xung quanh.
Chuồng trại: Các hộ gia đình có chăn nuôi gia súc, gia cầm cần có chuồng trại hợp vệ sinh để bảo đảm không làm ô nhiễm môi trường và phòng chống dịch bệnh. Chuồng trại cần xây dựng ở một khu riêng biệt, xa nhà ở, xa nguồn nước tối thiểu là 10m và cuối hướng gió. Hàng ngày phải quét dọn, thu gom phân gia súc, gia cầm để ủ phân ít nhất là 6 tháng. Nước tiểu của gia súc, nước rửa chuồng trại phải dẫn vào hố thấm nước thải, không thả rông gia súc, gia cầm.
Hố thấm nước thải: Hố thấm nước thải có tác dụng thu gom nước thải và thấm xuống lòng đất, tránh hiện tượng ứ đọng nước để giảm nguy cơ ô nhiễm nguồn nước và môi trường. Hố thấm cần đặt xa nguồn nước ít nhất là 10m. Thành hố thấm được xây bằng gạch để chống sụt lún. Trong lòng hố thấm, xếp một lớp gạch vỡ kích thước 5 - 7cm, dày khoảng 15 - 20cm, tiếp theo là lớp đá dăm kích thước 3 - 4cm, dày khoảng 20 - 30cm, trên cùng là lớp cát sỏi dày khoảng 30cm. Hố thấm có nắp đậy với nhiều lỗ nhỏ để nước chảy xuống dễ dàng, ngăn rác và không để gia súc, gia cầm đào bới. Khoảng 2 tuần một lần, rửa lớp cát sỏi phía trên để tăng hiệu quả lọc. Cần rửa và thay lớp cát sỏi nếu hết tác dụng.
Vệ sinh thôn, ấp
Thôn, ấp là nơi sống và sinh hoạt của cả cộng đồng. Mỗi cá nhân, mỗi gia đình phải có ý thức và trách nhiệm giữ gìn vệ sinh chung để bảo vệ môi trường sống, góp phần phòng chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Hàng tuần, cộng đồng dân cư nên tham gia tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom phế thải, khơi thông cống rãnh, thực hiện khẩu hiệu “Sạch từ nhà ra ngõ”. Rác thải, phân gia súc cần được thu gom hàng ngày để ủ hoặc chôn lấp hợp vệ sinh, không sử dụng phân tươi để bón cây, nuôi cá; thường xuyên sửa chữa đường sá, mương rãnh thoát nước, san lấp các chỗ trũng để tránh lầy lội, đọng nước; không phóng uế bừa bãi. Các gia đình phải sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; không vứt rác và xác súc vật chết xuống ao hồ, sông suối; không thả rông gia súc, gia cầm; giữ vệ sinh sạch sẽ nguồn nước và xung quanh nguồn nước.
BS NGUYỄN VĂN LÊN