Biển BR-VT mới bước vào mùa gió đông bắc (gió chướng) chưa đầy một tháng nhưng đã có 2 trường hợp chết đuối do lọt ao xoáy khi tắm biển. Mùa gió đông bắc còn kéo dài đến khoảng tháng 3 âm lịch năm sau. Do vậy, ngành du lịch cần tăng cường thông tin cảnh báo kết hợp các biện pháp phòng tránh nguy cơ đuối nước cho khách tắm biển.
|
Bãi Sau (TP. Vũng Tàu) vào mùa gió chướng thường xuất hiện nhiều ao xoáy nguy hiểm, người tắm biển cần cảnh giác đề phòng. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC |
Ao xoáy dày đặc
Sáng cuối tuần, có mặt tại Bãi Sau (TP. Vũng Tàu), chúng tôi thấy trên bãi biển sát bờ có khá nhiều ao nước lớn, hình bầu dục hoặc uốn lượn dạng chữ S, phần đầu hướng vào đất liền, phần đuôi mở ra biển. Mặt biển khá êm, nước trong nên quan sát mặt ao có thể thấy rõ lớp cát phía dưới, nhưng càng về cuối ao hướng mở ra biển có những đoạn không thấy đáy. Theo các cứu hộ viên bãi biển, đó là đáy ao xoáy. Khi thủy triều lên tràn bờ, đáy ao có thể sâu đến 2-3m, người không biết bơi nếu lọt vào đây sẽ chìm nhanh và ngộp nước, còn người biết bơi nếu mất bình tĩnh, cố vùng vẫy thoát ra thì càng dễ đuối sức và sẽ bị dòng nước cuốn đi.
Khoảng 3 tuần nay, gió mùa đông bắc hoạt động mạnh, thổi từ biển vào tạo hướng đến của sóng một góc 25 độ với đường bờ biển. Từ đây, những cuộn sóng đến và những cuộn sóng rút xuống va chạm vào nhau làm dịch chuyển mạnh lớp cát trên bề mặt tạo thành những ao xoáy trên biển. Khi biển động, sóng lớn ao xoáy dịch chuyển và thường sâu hơn vào những ngày đầu và giữa tháng âm lịch do ảnh hưởng của triều cường kết hợp gió lớn.
Quan sát trên đoạn bãi biển khoảng 600m, từ ngã ba Thùy Vân-Hoàng Hoa Thám đến giáp ranh bãi tắm Tháng Mười, chúng tôi đếm được khoảng 10 ao xoáy. “Lúc thủy triều lên, nước lớn, người tắm biển không thể nhận biết được ao xoáy bằng mắt thường. Mỗi buổi sáng, anh em cứu hộ thường đi dọc bãi biển, kiểm tra sự dịch chuyển của ao, cắm cờ đen khoanh vùng miệng ao, cắm bảng cấm tắm biển để nhắc nhở, cảnh báo người tắm biển tránh xa ao xoáy”, anh Hậu - cứu hộ viên ở Bãi Sau cho biết.
|
Cứu hộ viên cắm cờ cảnh báo ao xoáy trên bãi biển Thùy Vân. Ảnh: MỸ LƯƠNG |
Không chỉ cảnh báo
Ao xoáy là hiện tượng tự nhiên, phụ thuộc vào mùa gió và con nước. Nhiều năm qua, ao xoáy luôn là nỗi kinh hoàng cho người tắm biển. Mỗi năm, lực lượng cứu hộ bờ biển cứu vớt hàng ngàn lượt người tắm biển bị lọt ao xoáy. Tuy vậy, tai nạn vẫn tiềm ẩn. Mới đây nhất, chỉ trong nửa tháng, từ ngày 5 đến 20-11, tại khu vực Bãi Sau đã xảy ra 2 vụ đuối nước. Theo ông Trần Văn Trường, Giám đốc Ban quản lý các khu du lịch TP. Vũng Tàu, hai nạn nhân trên bị lọt ao xoáy do tắm biển ngoài giờ trực của lực lượng cấp cứu thủy nạn và tắm ở bãi công cộng không có cứu hộ viên. Tuy nhiên, nhiều người dân địa phương và khách du lịch vẫn có thói quen tắm biển sáng sớm và buổi chiều khi trời đã tắt nắng. “Hoạt động du lịch của Vũng Tàu đều tập trung ở biển Bãi Sau. Ban quản lý các khu du lịch được lập ra để quản lý, trợ giúp các hoạt động liên quan đến du lịch, trong đó một nhiệm vụ quan trọng là cấp cứu thủy nạn. Ban quản lý các khu du lịch phải bố trí lực lượng, giờ làm việc theo sát hoạt động của khách du lịch, chứ không thể lấy lý do hết giờ hành chính là về được”, bà Trương Thị Hường, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu chỉ đạo. Bên cạnh đó, bà Hường cũng yêu cầu các địa phương có bãi biển và hoạt động du lịch gắn với biển cần tăng cường thông báo về diễn biến thời tiết, cách nhận biết và thoát khỏi ao xoáy khi tắm biển trên loa truyền thanh xã phường, các đài cấp cứu bờ biển.
“Hệ thống biển bảng thông báo giờ tắm biển, nội quy bãi tắm, biển cảnh báo nguy hiểm… cần được thiết kế to, rộng, chữ lớn, có phản quang đặt ở các lối đi dẫn xuống biển để khách dễ dàng nhận thấy từ trên bờ. Làm được như vậy, du khách sẽ cảnh giác hơn và tai nạn đuối nước cũng được hạn chế”, một hướng dẫn viên Công ty The Sun Travel đề nghị.
ĐĂNG KHOA
Cách thoát khỏi ao xoáy Khi bất ngờ gặp dòng chảy mạnh, người tắm biển không nên bơi ngược lại theo lối cũ mà cần bình tĩnh nương theo hướng dòng chảy và bơi chéo để thoát ra; nếu cảm thấy đuối sức, nên chuyển tư thế nằm ngửa lấy sức rồi tiếp tục bơi. Đối với trường hợp lọt ao xoáy, thả nổi người nhưng cố gắng không để dòng xoáy và sóng vùi. Sau khi xác định được hướng nước xoáy mới bơi thoát ra theo hướng khác, đồng thời giơ tay vẫy để lực lượng cứu hộ ra cứu. |