Vụ xuân năm 2014, một số xã đã quy vùng cấy làm giống cho Công ty CP Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình, điển hình như ở xã Nam Thắng cấy giống lúa TBR225, BC15; xã Đông Quý cấy giống BT7, TBR1; hay Đông Minh, Đông Quý, Nam Thắng cấy giống DT68 (của Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam)… Như vậy, nếu có các hợp đồng bao tiêu sản phẩm hay quy vùng để cấy thì giá trị mang lại rất đáng kể, trung bình cũng bằng 1,2 đến 1,3 lần so với cấy thông thường.
Hiện nay, trên địa bàn huyện còn tiếp nhận nhiều mô hình lúa Nhật của Công ty TNHH An Đình, Công ty TNHH Hưng Cúc, Công ty Lương thực Thái Đan…như ở xã Đông Xuyên tiếp nhận giống Akita Komachi), Vũ Lăng, Nam Chính, Tây Ninh tiếp nhận giống lúa ĐS1…
Ưu thế khi cấy giống lúa Nhật là chất lượng gạo ngon, khả năng chống chịu sâu bệnh rất tốt. Vụ xuân là vụ có điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại, mô hình cấy giống lúa Nhật không có biểu hiện bị bệnh xâm nhiễm. Vụ mùa khả năng bị bệnh bạc lá cũng rất hạn chế, chính vì vậy lúa Nhật dễ đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng hơn.
Khi cấy giống này các công ty đều chủ động thu mua tươi ngay sau thu hoạch để đảm bảo chất lượng nên đã tiết kiệm được rất nhiều nhân công và hoàn toàn phù hợp với việc dồn điền đổi thửa, quy vùng sản xuất lớn trong điều kiện hiện nay.
Tuy nhiên, theo đánh giá, với những mô hình sản xuất giống hiện nay vẫn còn bị phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp, và không phải địa phương nào cũng có cơ hội để lựa chọn những giống có năng suất cao, phát triển phù hợp với từng vụ, từng vùng… để gieo cấy mà phải theo nhu cầu của doanh nghiệp. Điển hình như giống Bắc thơm số 7 cấy trong vụ mùa thì nguy cơ bị bệnh bạc lá cao, giống BC15 cấy trong vụ xuân thì khả năng bị nhiễm bệnh đạo ôn nặng. Hoặc một số giống khác như DT68, Hoa Khôi 4, đều phải thu mua khô và khi làm giống, yêu cầu về chất lượng sản phẩm càng khắt khe, đòi hỏi nhiều nhân công hơn, trong khi nguồn nhân lực tại địa phương lại đang thiếu và yếu, do đó việc phát triển mở rộng là rất khó.
Khó khăn chính với lúa Nhật (giống ĐS1) bị bạc bụng trong vụ xuân nên đã ảnh hưởng đến chất lượng gạo. Tuy nhiên, hiện nay khâu này đã được khắc phục, các doanh nghiệp đã chuyển sang lựa chọn một số giống khác, ngắn ngày như Akitakomachi, Koshi…
Mặt khác, khi thu hoạch nếu khâu chế biến không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thóc gạo, hạt gạo sẽ bị vàng và gẫy. Do vậy, doanh nghiệp cần phải chủ động thu sản phẩm tươi để chế biến. Riêng công đoạn này phụ thuộc hoàn toàn vào máy sấy và đây cũng là một trong những khó khăn cho việc mở rộng thị trường.
Như vậy với những vùng đất thịt nặng, kìm hãm trong giai đoạn hiện nay, thì khâu sản xuất lúa hàng hóa thực sự rất cần thiết, có như vậy mới có thể nâng cao giá trị của sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, với mỗi hướng đi đều có những khó khăn và thuận lợi riêng, vì vậy các doanh nghiệp và địa phương cần có sự cân nhắc và tìm cho mình một giải pháp phù hợp.