Ông Cương giới thiệu với khách hàng về vườn hoa Lily của gia đình.
Ban đầu với diện tích 1 sào, ông bố trí trồng khoảng 6.000 cây hoa Lily, giống được mua tại Viện Rau quả Trung ương, kỹ thuật ngoài được các cán bộ của Viện tư vấn, ông còn đi học hỏi của các chủ trang trại trồng hoa Lily trong vùng và thông qua cả sách, báo, internet…
Qua thời gian, ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, tự tin mở rộng diện tích lên gấp 3 lần và đã đưa một số hoa Lily mới vào trồng. Với diện tích hơn 2 sào, gia đình ông đã đầu tư trên triệu đồng làm nhà lưới, đồng thời hàng vụ phải bỏ ra khoảng 150 triệu để mua củ giống, tuy nhiên lợi nhuận thu được cũng khá lớn, những năm trước gia đình ông trồng 10.000 gốc cũng đã thu lãi trên 100 triệu đồng. Đến nay, do đã có kinh nghiệm và thị trường được mở rộng, gia đình ông đã trồng tới 15.000 gốc, giống hoa cũng cao cấp hơn như các giống hoa Lily đỏ, Lily vàng, giá thành dự kiến bán tại vườn trên 40.000 đồng/cây. Nhờ thời tiết thuận lợi nên hoa Lily phát triển tốt, thân mập, lá xanh, dầy, hứa hẹn sẽ có mùa hoa đẹp nở đúng dịp Tết Nguyên Đán 2015.
Theo kinh nghiệm của ông Cương, để có được hoa Lily bán đúng dịp Tết Nguyên Đán thì thời điểm xuống giống tốt nhất là vào quãng 25 - 30 tháng 9 âm lịch, đất trồng hoa Lily cấy trước 1 vụ lúa, sau đó cày phơi ải, phay nhỏ, xuống giống. Phân bón cho hoa Lily là loại phân bò đã được ủ mục, trong thời gian 20 ngày đầu tuyệt đối không được bón phân hóa học, nếu không sẽ làm cho củ không ra được rễ. Hoa Lily kháng sâu bệnh khá tốt nên hầu như không phải phun thuốc hóa học, củ giống cũng nên lựa chọn củ phù hợp, vì củ to thì cây cho nhiều hoa, nhưng giá thành lại đắt và hay bị bệnh “cháy ngọn”, củ nhỏ thì ít hoa, bán không được giá, gia đình ông thường chọn củ cỡ trung bình, vì vậy hàng năm số cây đạt tiêu chuẩn xuất, bán chiếm hơn 90%.
Ông Cương cho biết, hiện đã có các thương lái ở Nghệ An, Phú Thọ, Vĩnh Phúc...về xem và đặt mua hoa, nhưng đến 23 Tết thì ông mới bắt đầu xuất, bán ra thị trường.
Xã Cao Đức là xã thuần nông của huyện Gia Bình, người dân nơi đây đã có kinh nghiệm trồng các loại cây rau, màu, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, lại phụ thuộc rất nhiều vào thị trường tiêu thụ, trong khi đó sau 6 năm trồng cây hoa Lily đã khẳng định cây hoa Lily phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, mà thu nhập lại cao hơn hẳn so với các cây trồng khác, chính vì vậy từ mô hình gia đình ông Cương đã có thêm 2 hộ nữa trồng hoa Lily với số lượng trên 40.000 gốc, từng bước hình thành vùng trồng hoa của huyện Gia Bình.
Cho biết về chủ trương mở rộng diện tích trồng hoa Lily trên địa bàn ông Nguyễn Văn Duệ - Trưởng thôn Mỹ Lộc, xã Cao Đức, huyện Gia Bình nói: “Thôn đã có nhiều hộ muốn đưa cây hoa Lily về trồng, tuy nhiên đây là cây trồng mới đòi hỏi vốn đầu tư lớn, kỹ thuật cao, chính vì vậy rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành để người dân tin tưởng, yên tâm mở rộng quy mô sản xuất”.
Trồng hoa là nghề khá mới mẻ đối với người dân Gia Bình, nhất là lại trồng những loại hoa cao cấp như hoa Lily, tuy nhiên với kết quả đã được khẳng định qua 6 năm trồng cây hoa này tại gia đình ông Nguyễn Văn Cương ở thôn Mỹ Lộc, xã Cao Đức, đang là động lực khuyến khích các hộ nông dân khác làm theo, để cây hoa Lily không chỉ làm đẹp thêm khi Xuân đến mà còn là nghề làm giàu của những người dân Gia Bình.