Gia đình anh Nhâm phát triển kinh tế gia đình bằng nghề nông trên vùng đất của miền Đông Nam Bộ được thiên nhiên ưu đãi về đất, nước và thời tiết có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn và trở ngại về việc tìm cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm. Trước đây, anh trồng các loại cây lương thực như khoai, ngô (bắp), sắn (mỳ)… ; cây ăn quả như sầu riêng, chôm chôm…; cây công nghệp như cà phê; chăn nuôi lợn (heo), gà… Do làm theo phương thức truyền thống nên năng suất không cao, giá bán bấp bênh, bị tư thương ép giá.
Trước năm 2005, gia đình anh trồng tiêu gồm các giống: tiêu Ấn Độ Pannijur, tiêu mỡ Phú Quốc, tiêu Vĩnh Linh, tiêu Lada belanteng… Đến năm 2005, anh phát hiện ra trong vườn tiêu có một gốc tiêu năm nào cũng cho năng suất cao gấp rưỡi so với các giống khác và kháng bệnh tốt, ít dịch hại, cây xanh tốt hơn mặc dù được chăm sóc như nhau. Thấy vậy, anh liền cắt dây làm giống, thật ngạc nhiên khi anh phát hiện giống tiêu này ra rễ từ vết cắt, rễ lớn gấp 7 lần, ở mắt cũng ra rễ nhưng nhỏ, có bộ rễ cọc là một trong những đặc điểm anh thấy khác biệt hẳn so với giống tiêu khác. Từ đó đến nay, anh luôn theo dõi và nhân giống ra diện rộng vì thấy giống tiêu này chịu hạn, kháng bệnh tốt và cho năng suất cao, ổn định. Với bản chất ham học hỏi và biết vận dụng cái hay, cái mới anh thường xuyên tìm đến Hội nông dân xã Hòa Hiệp, Trạm Khuyến nông Khuyến ngư huyện, Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam, tham gia các lớp tập huấn về khuyến nông, tìm hiểu các thông tin khuyến nông trên các phương tiện thông tin, nhất là khai thác ứng dụng công nghệ thông tin để tìm hiểu các tiến bộ khoa học kỹ thuật và áp dụng vào mảnh vườn nhỏ của mình. Đến nay, anh đã trồng được 9 ha tiêu Bầu Mây do anh tự tìm kiếm, cắt dây chọn lọc và ươm tạo từ vườn tiêu của gia đình.
Giống tiêu này ra rễ từ vết cắt, rễ lớn gấp 7 lần, ở mắt cũng ra rễ nhưng nhỏ, có bộ rễ cọc
Theo đánh giá của ông Nguyễn Bá Phúc và ông Võ Hữu Tình - cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông Khuyến ngư huyện thì mô hình trồng tiêu của anh Nhâm đạt hiệu quả kinh tế cao dựa vào một số ưu điểm sau: Thứ nhất là mật độ trồng 2,5m x 2,5m, chiều cao trụ 4 - 4,5 m đảm bảo độ thông thoáng, đủ ánh sáng; Thứ hai là đặc điểm các hom giống anh Nhâm chọn để trồng có bộ rễ cọc được phát triển từ ngay lát cắt chứ không phải là ra rễ chùm từ đốt mắt do đó khi giâm nọc tiêu phát triển nhanh; Thứ ba là quản lý dịch hại tiêu tốt. Anh Nhâm chia sẻ kinh nghiệm: muốn trồng tiêu hữu cơ bền vững, ít sâu bệnh thì nên bón phân trùn quế nguyên chất để đảm bảo cải tạo, chống chai đất vì trong phân trùn quế còn tồn tại nhiều trứng của trùn quế, chúng sẽ nở ra thành trùn tiếp tục đào xới đất cho đất tơi xốp giúp cây tiêu phát triển tốt.
Hiện nay, anh Nhâm có 5 ha tiêu đang kinh doanh và 4 ha trồng mới 1 - 2 năm. Năng suất tiêu đen khô của gia đình anh qua các năm như sau: năm 2011 là 12 tấn/ha; năm 2012 là 13 tấn/ha; năm 2013 là 11,5 tấn/ha; năm 2014 là 12 tấn/ha; ước tính năm 2015 là trên 12 tấn/ha. Với giá tiêu trên thị trường hiện nay là 150.000 đồng/kg thì 5 ha tiêu (khoảng 60 tấn) của gia đình anh sau khi trừ chi phí 325 triệu đồng tiền vật tư, phân bón, công nhân… sẽ cho thu nhập khoảng 8,675 tỷ đồng.
Anh Nhâm cho biết, anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và cung ứng giống cho bà con nông dân để cùng nhau thành công với mô hình này. Bà con nông dân có nhu cầu tham quan, học hỏi hoặc cung ứng giống tiêu Bầu Mây có thể liên hệ anh Lâm Ngọc Nhâm, ấp Phú Lộc, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu - số điện thoại 0945818389.