Là người bản địa nên có lợi thế diện tích đất sản xuất của gia đình khá nhiều, khoảng 22 ha. Với cách nghĩ và cách làm khoa học, chị Mí Phương quyết định dành 5 ha là để trồng cà phê xen với cây cao su, 10 ha trồng khoai mì để lấy ngắn nuôi dài, 1 ha trồng lúa để phục vụ lương thực cho gia đình, 5 ha trồng cây lâm nghiệp và chăn nuôi 25 con bò.
Nhờ sự quy hoạch bài bản, nên từ năm 2010, gia đình chị đã có của ăn của để. Nhưng không chịu để đồng tiền nằm yên, chị còn mạnh dạn mua máy cày, máy tuốt lúa, xe vận tải nông sản… nhằm phục vụ cho bà con quanh vùng và tạo thêm nguồn thu cho gia đình.
Chị cũng không ngần ngại chia sẻ về nguồn thu nhập ổn định hiện nay của gia đình mình. Chị cho biết chị kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa cho lợi nhuận hàng năm khoảng 100 triệu đồng, 5 ha cà phê xen cao su mỗi năm cho lợi nhuận 200 triệu đồng. Đàn bò sinh sản mỗi năm từ 7 đến 10 con bê con cho lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng. Đó là chị chưa kể đến 10 ha đất trồng mì và 5 ha đất trồng cây lâm nghiệp đang chuẩn bị cho thu hoạch.
Chị Mí Phương tự hào bên ngôi nhà của gia đình
Đứng bên cạnh ngôi nhà khang trang vừa dựng xong có giá trị tiền tỉ, chị Mí Phương tự hào nói để có được ngày hôm nay là nhờ vào chính sách chủ trương đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Nhờ vậy, gia đình chị đã có của ăn của để, các con ăn học tới nơi tới chốn có đứa còn thi đậu vào đại học để mai sau phục vụ cho thôn bản ngày càng giàu đẹp hơn.
Chứng kiến mô hình làm kinh tế giỏi của gia đình chị Mí Phương, những người làm công tác khuyến nông như được tăng thêm sự nhiệt huyết, tiếp tục cống hiến hết mình vì sự nghiệp khuyến nông. Mong rằng có nhiều đồng bào thiểu số học tập tấm gương sản xuất giỏi của chị Mí Phương để nông nghiệp tỉnh nhà ngày càng vững mạnh.