Với lợi thế có rừng, có biển, khí hậu mát mẻ quanh năm, BR-VT là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Nhưng doanh thu từ du lịch lại chưa đáp ứng được kỳ vọng. Những người làm du lịch tin rằng, hoàn toàn có khả năng nâng tầm thương hiệu du lịch nếu có thêm những sản phẩm độc đáo.
|
Du khách thưởng thức buffet hải sản trên biển Bãi Sau. |
Khách ngắn hạn và chi tiêu thấp
Từ đầu năm đến nay, lượng khách đến với BR-VT không ngừng gia tăng. Thống kê của Sở VHTTDL cho biết: Tính đến đầu tháng 4-2015, toàn tỉnh đã đón tiếp và phục vụ 4,1 triệu lượt khách, tăng 20,88% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhìn vào phân khúc khách cho thấy, phần lớn lượng khách đến với BR-VT chủ yếu là khách nội địa, ở ngắn ngày với mức chi tiêu thấp. Trong số 4,1 triệu lượt khách đến BR-VT, chỉ có 131.230 lượt khách quốc tế. Số còn lại là khách nội địa. Vì thế, mặc dù lượng khách đông như trên, nhưng doanh thu tổng doanh thu toàn ngành du lịch chỉ đạt gần 989 tỷ đồng, trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú - du lịch đạt 543 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ - du lịch 131 tỷ đồng. Tính bình quân mức chi tiêu của du khách ở BR-VT là rất thấp.
Vì sao lại xảy ra tình trạng này? Trả lời câu hỏi trên, những người am hiểu BR-VT nhất cũng chỉ liệt kê được một số nơi mà du khách chỉ cần một ngày là đã khám phá hết. Điều này là nguyên nhân chính làm cho BR-VT chưa trở thành một thành phố du lịch hấp dẫn đối với khách du lịch quốc tế và cho những kỳ nghỉ dài ngày của du khách với mức chi tiêu cao. Những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch cho rằng, đó là do ngành du lịch tỉnh đang thiếu một chiến lược marketing dài hơi, thiếu hẳn sự đầu tư bài bản và hợp lý mà đang khai thác du lịch theo kiểu “ăn xổi” mang tính thời vụ, do đó thường bị động trước những diễn biến khách quan không thuận lợi.
|
Khách quốc tế chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số lượng khách đến BR-VT Trong ảnh: Du khách quốc tế tham quan Bạch Dinh. |
Cần những sản phẩm độc đáo
Theo ông Bùi Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh, du lịch là sản phẩm đặc thù, xuất khẩu tại chỗ, do đó ngành du lịch cần kiên định với tư duy “trồng cây hái quả”. Đó là cùng với việc khuyến khích các DN du lịch đầu tư các sản phẩm chất lượng cao, Nhà nước nên tính toán quy hoạch lại ở những vùng đất “vàng” có thể phát triển sản phẩm du lịch. Chẳng hạn, có thể ưu tiên khu vực mặt tiền Bãi Sau làm điểm nhấn của TP.Vũng Tàu. Nên chăng, ưu tiên cho các nhà đầu tư có tiềm lực để xây dựng những khu nghỉ dưỡng cao cấp, tạo ra chuỗi du lịch độc đáo, đẳng cấp ngay từ trên bờ và dưới bãi biển. Có như thế mới tạo được bộ mặt khang trang, nâng tầm được thương hiệu cho du lịch BR-VT.
Còn ông Nguyễn Ngọc Hùng, Giám đốc Alpha Travel (số 14 Phan Đăng Lưu, TP.Vũng Tàu) cho rằng, BR-VT nên mở chiến dịch “Kinh doanh lành mạnh”. Nghĩa là các cơ sở kinh doanh lưu trú, dịch vụ ăn uống nên ổn định mức giá. Vào các ngày lễ, có thể phụ thu thêm 5-10% để bù vào tiền lương cho nhân công. Trong khi đó, theo ý kiến bà Hoàng Thị Phương Dung, quản lý khu biệt thự An Hoa (Công ty CP Du lịch An Hoa), để thu hút khách, BR-VT nên đầu tư nhà cổ, trong đó trưng bày các di sản văn hóa của Việt Nam nói chung và của BR-VT nói riêng. Bởi, tâm lý của người đi du lịch không chỉ là để tham quan, nghỉ dưỡng mà còn muốn tìm hiểu nét văn hóa nơi mình đến.
Bên cạnh các ý kiến của các nhà kinh doanh du lịch, theo phản ánh của nhiều du khách, với không gian thoáng đãng, đường phố rộng rãi, BR-VT là nơi lý tưởng để tổ chức các lễ hội đường phố vào ban đêm. Vì thế, nên chăng BR-VT có thể tổ chức các hoạt động khác như lễ hội beer; lễ hội thời trang; lễ hội hải sản… với sự tham gia trực tiếp của du khách. Các hoạt động cộng đồng này có thể không cần đến kinh phí ngân sách để tổ chức mà có thể kêu gọi tài trợ, chung tay từ các nhà sản xuất kinh doanh.
Bài, ảnh: NHẬT MINH