Ông Lò Văn Bé ở bản Chiềng Ban 1 là một trong những người đầu tiên tham gia “trồng thêm” dưa ở xã Tú Nang. Vụ dưa năm 2015 vừa rồi, gia đình ông đã thu hoạch hơn 5 tấn dưa các loại với giá trị lên tới gần 40 triệu đồng. Vừa nhanh tay làm đất sau khi thu hoạch dưa để kịp cho vụ lúa mùa, ông Bé vừa vui vẻ chia sẻ: “Được sự giúp đỡ của cán bộ khuyến nông xã, từ năm 2012, gia đình tôi bắt đầu tham gia trồng dưa bở, dưa lê. Vụ đầu, tôi nhập giống và trồng thử khoảng 700 m2. Nhờ chăm sóc tốt, đúng theo quy trình hướng dẫn của cán bộ khuyến nông nên hiệu quả thu được khá cao. Từ năm 2013, gia đình tôi mở rộng diện tích trồng dưa lên trên 2.000 m2. Nhờ tiền thu được từ trồng dưa, gia đình tôi đã mua sắm được nhiều trang, thiết bị phục vụ sinh hoạt, sản xuất và có thêm tiền để lo cho các cháu ăn học”.
Tìm hiểu được biết, do đặc điểm địa hình không thể bảo đảm đủ nước cấy vụ lúa chiêm xuân nên những năm trước đây, khu ruộng của các bản Chiềng Ban 1, Chiềng Ban 2 và bản Tà Làng Cao cơ bản chỉ canh tác được một vụ lúa mùa còn lại thì bỏ hoang. Sau khi tìm hiểu điều kiện sinh trưởng của các loại dưa, Trạm Khuyến nông huyện Yên Châu đã phối hợp cùng UBND xã Tú Nang tuyên truyền, vận động bà con phát triển các loại dưa trên diện tích ruộng lúa 1 vụ với phương châm “trồng thêm dưa để tăng thêm thu nhập”. Trạm đã tổ chức hướng dẫn kỹ thuật, tập huấn cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cây dưa, đồng thời cử cán bộ thường xuyên theo dõi, bám sát quá trình sinh trưởng của các loại dưa tại ruộng. Theo đó, bà con đã trồng một số loại dưa như dưa bở, dưa lê, dưa hấu… Thực tế cho thấy, trồng dưa không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư giống, phân bón thấp, chu kỳ sinh trưởng ngắn mà lại giúp người dân tăng thêm thu nhập. Thông thường, bà con bắt đầu trồng dưa từ đầu tháng 2, đến giữa tháng 5 là có thể tiến hành thu hoạch và xuất bán dưa. Đặc biệt, lượng phân chủ yếu phục vụ cho sản xuất dưa là phân chuồng, phân xanh các loại nên việc trồng dưa còn có tác dụng góp phần cải tạo đất, giúp tăng năng suất, chất lượng lúa mùa. Do phù hợp với thổ nhưỡng nên dưa trồng ở Tú Nang có vị ngọt, mát, mẫu mã đẹp.
Theo thống kê, tổng diện tích sản xuất dưa tại xã Tú Nang là trên 10 ha; tập trung chủ yếu ở 3 bản Chiềng Ban 1, Chiềng Ban 2, Tà Làng Cao. Việc được thương lái thu mua tại ruộng với giá dưa tương đối ổn định với mức 20.000 đồng/kg dưa bở, dưa lê; 7.000 - 8.000 đồng/kg dưa dấu đã giúp người dân khá yên tâm phát triển cây dưa. Từ năm 2012 đến nay, nhiều hộ dân trong xã đã vươn lên thoát nghèo và có thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/vụ nhờ “trồng thêm” dưa như hộ gia đình các ông Lò Văn Bé, Hà Văn Ban, Hà Văn Vĩ, Bùi Đức Thuận… Trao đổi cùng chúng tôi, ông Hoàng Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND xã Tú Nang phấn khởi chia sẻ: “Mô hình trồng dưa đã giúp người dân trong xã tận dụng tốt diện tích đất lúa 1 vụ, đồng thời tạo điều kiện để bà con tăng thêm thu nhập, phát triển đời sống. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục nghiên cứu để có hướng mở rộng thêm diện tích trồng dưa gắn với việc liên hệ tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm”.