Chỉ còn 2 ngày nữa là hết thời gian nộp hồ sơ xét tuyển CĐ, ĐH đợt
1. Theo ghi nhận của PV báo BR-VT, càng về những ngày cuối cùng của đợt xét
tuyển, nhiều thí sinh (TS) của tỉnh đăng ký vào các trường ĐH, CĐ ở TP. Hồ Chí
Minh tiếp tục chạy đôn chạy đáo rút hồ sơ ở trường nộp trước đó để tìm cơ hội ở
trường khác.
|
TS đến nộp hồ sơ xét
tuyển vào trường CĐ Sư phạm BR-VT.
|
Theo
kế hoạch của Bộ GD-ĐT, đến hết ngày 20-8, các trường ĐH, CĐ chốt danh sách TS
đăng ký xét tuyển đợt 1 và phải công bố kết quả sau 1 ngày. Nhưng đến thời điểm
“nước rút”, nhiều TS của tỉnh vẫn chưa khẳng định được khả năng trúng tuyển của
mình, dù các em đạt điểm thi khá cao. Không ít TS rút hồ sơ để chuyển từ trường
này qua trường khác, tâm trạng căng thẳng, mệt mỏi.
TS
Lê Ngọc Long Tài, trường THPT Châu Thành (TP.Bà Rịa) cho biết, kỳ thi THPT Quốc
gia 2015, em đạt 22,5 điểm khối B và 0,5 điểm ưu tiên. Vào ngày 5-8, Tài đã đến
trường ĐH Y dược Cần Thơ để nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành Xét nghiệm. Những
ngày đầu, điểm của Tài được xếp ở thứ hạng cao trong số 80 chỉ tiêu mà trường
tuyển vào ngành này. Nhưng 10 ngày sau, Tài đã tụt xuống thứ hạng 290. Điểm thi
của Tài đã nằm dưới mức điểm chuẩn dự kiến của trường. Vì vậy, ngày 15-8, Tài
một lần nữa quay lại trường ĐH Y dược Cần Thơ để rút hồ sơ và chuyển về nộp tại
trường ĐH Y dược TP. Hồ Chí Minh, với nguyện vọng xét tuyển vào ngành CĐ Dược.
“Dự kiến điểm chuẩn vào ngành CĐ Dược là 22,75 điểm. Điểm của em đang nằm trong
“top” an toàn. Tuy nhiên, càng về sau số lượng TS rút và nộp hồ sơ còn nhiều
biến động, nên nhiều khả năng em lại phải rút hồ sơ để nộp vào trường khác có
điểm chuẩn thấp hơn. Em thấy lo lắng và áp lực, không biết mình có cơ hội trúng
tuyển hay không”, Tài nói.
Trong
khi đó, không ít TS đã có “chiến lược” nộp hồ sơ ngay từ đầu nhưng vẫn cảm thấy
bị “hớ”. TS Lê Thị Minh Châu, trường THPT Vũng Tàu cho biết, em đạt 23 điểm
khối A1. Không như các bạn nộp hồ sơ vào đầu những ngày các trường nhận hồ sơ
xét tuyển, Châu lựa chọn cách nộp hồ sơ trễ. Vì thế, đến ngày 10-8, Châu mới
lên trường ĐH Kinh tế Luật TP.Hồ Chí Minh để nộp hồ sơ xét tuyển các ngành:
Kiểm toán, Kế toán và Kinh tế học. Mỗi ngành học mà Châu đăng ký nhà trường đều
tuyển 70 chỉ tiêu. Vì vậy, khi trường ĐH Kinh tế Luật TP.Hồ Chí Minh công bố
điểm chuẩn dự kiến Châu chỉ còn cơ hội vào 2 ngành: Kế toán và Kinh tế học, với
điểm chuẩn dự kiến tương ứng là 23 và 22,25. Châu phân tích, 2 ngành còn lại em
đang ở thứ hạng tương đối thấp, gần sát với điểm chuẩn dự kiến của trường,
nhưng vẫn có nhiều khả năng trúng tuyển, vì khả năng có nhiều hồ sơ ảo, hoặc
nhiều TS ngang điểm với em sẽ rút hồ sơ sang trường khác. Với việc đăng ký xét
tuyển ĐH, CĐ như năm nay thì TS có điểm cao nên nộp hồ sơ trễ, để không phải
vất vả rút và nộp hồ sơ nhiều lần, đỡ tốn kém. Em nghĩ mình đã nộp trễ, nhưng
tính ra vẫn còn sớm. Có thể em sẽ rút hồ sơ ở trường ĐH Kinh tế Luật TP.Hồ Chí
Minh sang trường khác vào cuối ngày 20-8”, Châu cho hay.
Trái
ngược với các trường ĐH, CĐ tại TP.Hồ Chí Minh, số lượng TS đến rút hồ sơ và
đăng ký xét tuyển ở các trường CĐ, ĐH tại BR-VT không biến động. Đến cuối ngày
18-8, trường CĐ Sư phạm BR-VT đã nhận được 418 hồ sơ đăng ký của TS. Ông Hồ
Cảnh Hạnh, Hiệu trưởng trường CĐ Sư phạm BR-VT cho biết: “Chỉ có vài TS đến rút
hồ sơ để chuyển sang trường khác, thậm chí có trường hợp rút hồ sơ rồi quay lại
nộp tiếp. Dự kiến chiều 20-8, nhà trường sẽ công bố kết quả xét tuyển đợt 1”.
Tại trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu cũng tương tự. Đến nay, trường đã nhận được 1.500
hồ sơ của TS. Càng về những ngày cuối của đợt xét tuyển, số lượng TS đến nộp hồ
sơ càng đông. Hiện tại, chưa có TS nào đến rút hồ sơ để chuyển sang trường khác.
Bài,
ảnh: MINH TUỆ