|
Anh Ngô Đình Lâm cắm cờ cảnh báo du khách khu vực có ao xoáy. |
Dịp lễ 30-4 và 1-5 tới, dự báo lượng khách đến TP. Vũng Tàu tắm biển, nghỉ dưỡng sẽ rất đông. Bên cạnh việc chuẩn bị các sản phẩm du lịch, dịch vụ phục vụ khách, công tác cấp cứu thủy nạn cũng được các ngành chức năng thành phố tăng cường, nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho du khách.
Ngày cuối tuần qua, toàn bộ 35 nhân viên cấp cứu thủy nạn của Ban Quản lý các KDL TP. Vũng Tàu đã được huy động làm nhiệm vụ dọc bãi biển Bãi Sau. Gặp chúng tôi, ông Phạm Khắc Tộ, Phó Giám đốc Ban Quản lý các KDL TP. Vũng Tàu cho biết, hôm nay thủy triều lên, nước che hết các ao xoáy, không cắm cờ cảnh báo được. Vì thế, nhân viên cứu hộ phải trực sát bờ biển để lưu ý du khách trước khi họ xuống tắm. “Những ngày cuối tuần hoặc lễ, tết, khách tắm biển đông nên lực lượng cứu hộ phải làm việc hết công suất. Chúng tôi thường bố trí cho anh em nghỉ bù các ngày trong tuần khi vắng khách”, ông Phạm Khắc Tộ nói.
Ông Trần Đức Thiện, năm nay 58 tuổi, đã có 38 năm làm cứu hộ. Nước da đen giòn đặc trưng của dân miền biển, ông Thiện hiểu từng con nước ở Bãi Sau: “Từ tháng 10 năm trước đến khoảng tháng 6 năm sau, gió mùa Đông Bắc thổi mạnh, tạo ra những cái ao gần bờ biển. Từ tháng 6 đến tháng 7, gió thổi theo chiều ngược lại, cát lấp đầy các ao. Những chiếc ao này không cố định mà xuất hiện theo sự di chuyển của gió chướng. Chỉ cần lơ là, du khách có thể bị lọt ao xoáy và bị đuối nước nếu không được cứu vớt kịp thời. Có ngày, chúng tôi vớt tới 10 lượt người lọt vào ao xoáy”, ông Thiện cho biết.
Ngày thường còn đỡ, nhưng ngày lễ, tết, khách tăng đột biến, lực lượng cứu hộ luôn phải dõi mắt ra biển, không dám rời vị trí. Anh Trần Đình Tân, với kinh nghiệm 20 năm làm nghề cứu hộ chia sẻ, khách bị đuối nước thường rất hoảng sợ và họ thường ôm chặt bất kỳ ai ra cứu. Anh Tân kể, dịp Tết Bính Thân vừa qua, anh cứu được một nhóm bạn 4 người. Khi phát hiện vụ việc, anh đến gần trấn an cả nhóm, bảo họ bình tĩnh rồi ném phao và yêu cầu mọi người trật tự bám vào rồi kéo vào bờ. “Mình không trấn an và hướng dẫn nạn nhân mà vội vàng lao vào cứu sẽ dễ bị họ bám chặt, rất nguy hiểm”, anh Tân cho hay.
|
Để bảo đảm an toàn cho du khách, lực lượng cứu hộ phải túc trực cả ngày. Trong ảnh: Một nhóm du khách tổ chức chơi trò chơi vận động trên biển. |
Anh Ngô Hồng Lâm, một nhân viên cứu hộ cho biết, ngoài việc bị lọt ao xoáy, lọt vào dòng chảy xa bờ, nhiều trường hợp bị đuối nước còn do nhóm bạn đùa giỡn, kéo nhau ra xa và bị trôi phao, lật phao hoặc kiệt sức. Do đó, ý thức của người tắm biển là yếu tố quyết định cho sự an toàn của chính họ. Trong quá trình làm việc, anh chứng kiến nhiều người tắm biển trong tình trạng say xỉn. Mặc dù thấy cờ báo hiệu nguy hiểm (cờ đen) do lực lượng cứu hộ cắm trên biển, nghe tiếng còi cảnh báo, nhưng họ bất chấp, vẫn bơi vào vùng ao xoáy, thậm chí nhiều người còn đu, bám cột cờ, bẻ gãy, thả trôi theo dòng nước như một trò đùa. “Cờ báo hiệu là công cụ rất quan trọng của người làm việc cứu hộ. Có những ngày, xuất hiện hàng chục ao xoáy, chúng tôi không thể túc trực hết các ao, nhưng có sự cảnh báo của cờ hiệu, người dân cũng cảnh giác hơn. Nhiều khi cờ bị bẻ gẫy, chúng tôi phải đứng tại vị trí có ao xoáy để nhắc nhở và hỗ trợ du khách khi cần”, anh Lâm nói thêm.
Theo ông Phạm Khắc Tộ, để hạn chế tai nạn, rủi ro cho khách tắm biển, nhất là trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (16-4); kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (30-4) và Quốc tế lao động (1-5) sắp tới, Ban Quản lý các KDL TP. Vũng Tàu đã phân công toàn bộ 35 nhân viên cứu hộ ứng trực từ 5 giờ 30 đến 19 giờ, phối hợp với hơn 90 nhân viên cứu hộ chuyên trách và bán chuyên trách của các KDL để bảo đảm an toàn cho du khách. Ban Quản lý các KDL TP. Vũng Tàu cũng đã lắp 40 bảng cảnh báo tại các điểm lên - xuống biển và sẽ tiếp tục lắp đặt tại các KDL nhằm lưu ý người dân, du khách không tắm ngoài giờ quy định; đồng thời nhắc nhở các KDL bố trí lực lượng cứu hộ ứng trực để bảo đảm an toàn cho khách tắm biển.
Bài, ảnh: MINH THANH