Xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) có tiềm năng phát triển du lịch nhờ địa hình kết hợp hài hòa giữa biển, núi, đồi, đất ngập nước, đồng bằng và các di tích lịch sử, văn hóa. Hiện nay, chính quyền xã Long Sơn đang ấp ủ nhiều dự định nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế và đầu tư cho phát triển du lịch.
|
Những phong tục và nếp sống của cư dân Long Sơn luôn cuốn hút du khách tham quan, khám phá. |
Xã Long Sơn được thiên nhiên ưu đãi với điều kiện tự nhiên, tài nguyên du lịch phong phú gồm hệ sinh thái rừng ngập mặn, nguồn thủy hải sản dồi dào, cảnh quan thơ mộng. Do vậy, từ nhiều năm nay, Long Sơn luôn thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, hành hương. Chị Nguyễn Ngọc Quỳnh Giao (du khách TP.Hồ Chí Minh) cho hay, trong các điểm du lịch của BR-VT, chị thích Long Sơn nhất, vì không mất nhiều thời gian di chuyển (chỉ hơn 1 giờ đi xe từ TP.Hồ Chí Minh), nhịp sống ở đây yên ả và được giao tiếp với những con người đậm chất Nam bộ, dung dị, chất phác. “Đến Long Sơn, tôi thường thuê ghe trải nghiệm cảm giác lênh đênh sông nước, hít thở không khí trong lành, hòa mình vào bức tranh thiên nhiên hữu tình và nhịp sống thư thả, bình dị của một làng biển, trải nghiệm công việc thu hoạch hàu, lưới cá, mò cua, bắt ốc… của cư dân địa phương. Kết thúc hành trình là bữa tiệc hải sản ở các nhà hàng nổi trên sông Chà Và hoặc thưởng thức gà núi, cá trê nướng ở khu Bến Điệp”, chị Giao nói.
Theo ông Bùi Đức Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn, mỗi năm xã đón hơn 10.000 lượt khách du lịch, trong đó có khá nhiều khách nước ngoài. Lượng khách tập trung đông nhất vào Lễ Vía Ông (từ 18 đến 20-2 âm lịch) và Trùng Cửu (9-9 âm lịch). Các loại hình du lịch được khách ưa thích tại Long Sơn gồm: Thưởng ngoạn cảnh quan sông nước; tham quan, tìm hiểu văn hóa, tín ngưỡng đạo Ông Trần và tập quán sinh hoạt của cư dân Nhà Lớn; leo núi Nứa ngắm toàn cảnh Long Sơn và dải bờ biển từ Vũng Tàu đến Cái Mép-Thị Vải (huyện Tân Thành); thưởng thức ẩm thực đặc trưng địa phương; du lịch cộng đồng. “Điểm nhấn làm nên sự khác biệt đặc trưng cho du lịch Long Sơn là di tích văn hóa lịch sử Nhà Lớn và đạo Ông Trần. Những triết lý nhân văn sâu sắc của Ông Trần như: tình yêu lao động, đạo lý uống nước nhớ nguồn, kiến trúc gỗ và kho cổ vật đồ sộ ở Nhà Lớn luôn thôi thúc tôi khám phá Long Sơn”, anh Thái Minh Phương (Đồng Nai) nói.
|
Du khách tham gia thu hoạch hàu |
Theo ông Lê Xuân Tú, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Long Sơn, du lịch phát triển đã tác động tích cực đến diện mạo phố thị và đời sống người dân Long Sơn. Dọc theo con đường chính ở đảo Long Sơn, cửa hàng, quán ăn, vựa hải sản mọc lên ngày càng nhiều. Đời sống cư dân khấm khá hơn. Nhiều nhà lầu khang trang được xây dựng xen giữa những nếp nhà ba gian hai chái mái ngói xưa…
Giai đoạn 2015-2020, xã Long Sơn đặt mục tiêu doanh thu từ thương mại - dịch vụ tăng trưởng bình quân từ 12 đến 14%/năm, trong đó, du lịch sẽ góp phần không nhỏ cho thương mại - dịch vụ. Để đạt được mục tiêu trên, về lâu dài, xã Long Sơn sẽ quy hoạch Hồ Mang Cá, kêu gọi đầu tư khai thác điểm du lịch xung quanh hồ; kết hợp nuôi trồng thủy sản đi đôi với công tác phát triển và bảo vệ rừng, tổ chức mô hình tham quan du lịch sinh thái trên sông, ven biển, khu nuôi trồng thủy sản; khuyến khích nhân dân mở rộng quy mô cửa hàng, quầy hàng, đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao chất lượng, giá cả hợp lý; các quán ăn, nhà hàng phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; nghiên cứu mở dịch vụ tham quan, ăn uống trên sông nước và tại nơi nuôi trồng thuỷ sản; khuyến khích phát triển vận tải khách đường bộ và du thuyền tham quan thắng cảnh sông nước, khu di tích kháng chiến rừng ngập mặn.
“Trước mắt, xã Long Sơn sẽ tập trung cho công tác quản lý, khai thác và thu hút khách tham quan các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn như: Đền thờ Liệt sĩ, khu di tích kháng chiến, Nhà Lớn. Bên cạnh đó, công trình chợ trung tâm đang được xây dựng, dự kiến hoàn thành trong quý II-2016 sẽ được sắp xếp, bố trí sạp hàng, mặt hàng bảo đảm thẩm mỹ, giá cả bình ổn để vừa phục vụ dân sinh và bán cho khách du lịch”, ông Lê Xuân Tú cho biết thêm.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA