TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Năm, 21/11/2024
Tin tức trong nước
Tin tức trong tỉnh
Tin thế giới
Tổng quan về xã
Hoạt động UBND
Sản phẩmGương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
Dịch vụ
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Mùa thu hoạch lúa

Chăm sóc cây ăn quả

Mô hình nuôi nhím hiệu quả kinh tế cao

Lượt truy cập: 346699
  TÀI LIỆU KHCN

  Vĩnh Long: Tâm sự của một phụ nữ tham gia dự án trồng lúa áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật SRI
14/01/2016
Vĩnh Long: Tâm sự của một phụ nữ tham gia dự án trồng lúa áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật SRI

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nằm bên hàng dừa mát rượi, nghe chị Nguyễn Thị Thu nói chuyện, tôi quyết định phải ghi lại nguyên văn những chia sẻ của chị.

Chị kể:

“Gia đình tôi có 0,93 ha diện tích trồng lúa. Tôi làm ruộng trên 30 năm nhưng kinh tế gia đình vẫn có lúc khó khăn, do thu nhập chủ yếu dựa vào cây lúa, trong khi năng suất lúa lại tùy thuộc vào “ông trời” và mùa vụ, giá lúa luôn bấp bênh và tình hình dịch bệnh khó lường phức tạp.

Năm nào được mùa, thời tiết tốt, canh tác 2 vụ lúa, tiền lời khoảng 20 - 30 triệu đồng. Khéo vun vén cũng tạm đủ sống. Những năm dịch bệnh nhiều, hầu như không có lãi, không lỗ vốn là may.

Tuy vậy, gia đình tôi vẫn phải trồng lúa vì đây là cây trồng chính ở quê. Chúng tôi luôn mong muốn có thêm cơ hội kiếm tiền mới không phải từ lúa.

Năm 2014, dự án “Áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI nhằm nâng cao hiệu quả và góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa” được triển khai ở quê tôi. Nghe cũng thấy lạ! Trồng lúa có gì mà phát thải khí nhà kính?!. Rồi lại thêm khuyến cáo sạ cấy thưa, giảm giống, bón lót phân lân và phân hữu cơ sinh học. Thật, tôi không dám theo.

Tôi không tin và lo sợ. Tuy vậy, chồng tôi nghe khuyến cáo đã chấp nhận thử nghiệm trên ruộng nhà mình. Cũng vì chuyện này mà vợ chồng tôi giận nhau gần 2 tháng trời.

Sau khi gieo sạ, tôi thấy ruộng hộ kế bên lên xanh tốt, trong khi ruộng nhà tôi vẫn đen xì, toàn thấy đất. Tôi lo mất mùa và bất đồng với chồng trong việc sạ cấy thưa. Chưa hết, còn các kỹ thuật khác như: tiết kiệm nước, giảm phân, giảm thuốc… cũng được chồng tôi áp dụng. Lo nhất là việc giảm thuốc vì tôi thấy sâu cuốn lá xuất hiện mà chồng tôi vẫn không cho phun xịt vì cho rằng trên đồng thiên địch hiện diện nhiều và sâu vẫn chưa tới ngưỡng phòng trị. Qua 40 ngày trà lúa nhà tôi phát triển rất tốt, chỉ tốn 1 lần phun thuốc và giảm 30% lượng phân bón. Không biết do ông trời phù hộ hay kỹ thuật mới áp dụng hay quá mà vụ này lúa trổ sớm hơn 04 ngày, trổ rất đẹp – ai cũng khen. Tôi thấy vui vui.

Sang vụ 2, tôi yên tâm trong việc giảm giống mà không lo đi cấy dặm. Tôi chỉ còn e ngại việc hạn chế phun thuốc vì sợ ảnh hưởng năng suất lúa do dịch bệnh vẫn xuất hiện. Tôi bắt đầu tham dự các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác lúa 3 giảm 3 tăng và SRI, 1 phải 6 giảm. Khi cán bộ kỹ thuật thăm ruộng, tôi luôn đi cùng, có gì chưa an tâm, tôi mạnh dạn hỏi ngay.

Vụ hè thu 2015 đã là vụ thứ 3 tôi áp dụng kỹ thuật này. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào kỹ thuật mà dự án khuyến cáo và thường xuyên trao đổi với nhóm chị em phụ nữ xung quanh về kỹ thuật 1 phải 6 giảm những lúc đi chợ, đi đám giỗ, tiệc tùng… Nói chung là mạnh dạn nói vì tôi đã hiểu thế nào là 1 phải 6 giảm, kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI,…, những lợi ích thiết thực của dự án mang lại cho chúng tôi.

Khi canh tác lúa theo 1 phải 6 giảm, kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI, gia đình tôi đã giảm 30% lượng phân bón, giảm phun xịt 2 – 3 lần trong vụ, chỉ phun khi thật sự cần thiết. Năng suất lúa của gia đình tôi tăng 10 - 12% so với trước, nhưng đặc biệt lợi nhuận cao hơn hộ kế khoảng 3 – 4 triệu đồng/ha, hạt lúa sáng trưng, “nhìn đã con mắt”!

Bây giờ vợ chồng tôi đồng lòng ứng dụng 1 phải 6 giảm và kỹ thuật SRI, cùng nhau bàn tính chuyện ruộng đồng, ghi chép sổ sách… Gia đình vui vẻ từ nhà đến ruộng. Không chỉ trong nhà, chúng tôi còn chia sẻ kinh nghiệm sản xuất ở các buổi sinh hoạt kỹ thuật do địa phương tổ chức, cùng các nông dân khác bàn bạc và quyết định gói kỹ thuật mùa vụ sản xuất tới.

Tôi mạnh dạn chia sẻ và hy vọng những người phụ nữ làm nghề trồng lúa như tôi biết ứng dụng 1 phải 6 giảm và SRI vào canh tác để giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, góp phần cải thiện kinh tế cho gia đình. Phụ nữ cũng nên tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm giúp nâng cao nhận thức để chúng ta hiểu và quyết định kỹ thuật cần áp dụng trên ruộng nhà mình. Chị em cũng cần biết ghi chép, theo dõi chi phí để quản lý kinh tế nông hộ, đảm bảo chi tiêu hợp lý trong sản xuất và đời sống.

Thay mặt chị em, tôi mong muốn Nhà nước và các tổ chức quan tâm đến phụ nữ chúng tôi như dự án này, khuyến khích và tạo điều kiện cho phụ nữ được tham gia học hỏi. Phụ nữ phải có tiếng nói trong gia đình và trong cộng đồng để tham gia sản xuất đạt hiệu quả kinh tế. Hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật mới giúp nông thôn tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Chúng ta cần mạnh dạn vươn lên, học hỏi, nâng cao kiến thức và hiểu biết để làm nông nghiệp có lợi nhuận, biết tính toán để quản lý kinh tế sản xuất".

Theo Thanh Thủy-Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 881 204 - Fax: (84.064) 3 881 204
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu