Năm 2012, vợ chồng chị Mai bắt tay vào xây dựng mô hình chăn nuôi trên diện tích hơn 1 ha đất đồi tại khu 5, xã Ấm Hạ. Khi ấy chị cũng đắn đo suy nghĩ nhiều về vấn đề chọn nuôi con gì cho hiệu quả. Sau nhiều lần đi tham quan học hỏi các trang trại trong vùng và tìm hiểu thị trường chị quyết tâm đầu tư nuôi lợn sinh sản để cung cấp lợn giống cho thị trường.
Ban đầu chị tìm về trại giống tại Hà Tây mua về 10 con lợn nái. Không phụ công người chăm sóc, đàn lợn của gia đình lớn nhanh và sinh sản tốt. Từ đó chị tiếp tục nhân giống và phát triển quy mô chuồng trại, đầu tư xây dựng hệ thống chuồng liên hoàn với 5 ô chuồng nuôi lợn thịt, 30 ngăn nuôi lợn nái và 6 sàn nuôi nái đẻ trị giá 50 triệu đồng và hệ thống bioga xử lý chất thải. Đến nay, mô hình của gia đình chị Mai có tới 30 con lợn nái, mỗi năm sinh sản khoảng 70 lứa với khoảng 800 con, giá bán 1,1 triệu đồng/con. Bên cạnh đó chị Mai còn duy trì đàn lợn thịt khoảng 100 con, mỗi năm bán ra thị trường hơn 300 tấn lợn hơi.
Chị Mai chuẩn bị thức ăn cho đàn lợn của gia đình
Năm 2015, giá lợn thịt và lợn con trên thị trường cao và ổn định đã mang lại nguồn thu nhập trên 800 triệu đồng, trừ chi phí cho thu lại trên 200 triệu đồng. Để chăn nuôi đạt hiệu quả cao chị Mai đặc biệt chú trọng việc phòng bệnh cho đàn lợn. Chị cho biết nuôi lợn nái và lợn con thì việc phòng bệnh là rất quan trọng. Chính vì vậy cả hai vợ chồng chị đều tham gia học các lớp sơ cấp thú ý và chăn nuôi để có thể chủ động trong việc phòng bệnh cho đàn lợn của gia đình. Cũng chính vì vậy mà sức đề kháng của lợn tốt, đàn lợn phát triển mạnh, được các thương lái và bà con trong vùng tin tưởng.
Điều đặc biệt hơn nữa ở trang trại của gia đình chị Mai là anh chị đã chọn phương pháp nuôi thủ công để áp dụng trong chăn nuôi. Toàn bộ đàn lợn của gia đình đều được nuôi bằng cám nấu với bột ngô, lúa, sắn, rau lang và cây chuối. Với cách nuôi này vừa phát huy được lợi thế đất đồi để trồng sắn, trồng chuối lại vừa tiết kiệm được các phụ phẩm nông nghiệp, bảo vệ môi trường và hơn hết là tạo ra được nguồn thực phẩm sạch.
Không chỉ là người phụ nữ đảm đang tháo vát, chị Mai còn là một chi hội trưởng chi hội phụ nữ năng động, tích cực trong công tác hội và các phong trào văn hóa, thể thao của địa phương, sẵn sàng mang những kinh nghiệm, kiến thức trong chăn nuôi chia sẻ, giúp đỡ các chị em phụ nữ trong xã để cùng nhau phát triển kinh tế.
Chị Nguyễn Thị Thúy Hồng - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Ấm Hạ cho biết, chị Mai là một cán bộ hội rất năng động, là tấm gương tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế của hội, là điển hình của việc xây dựng hình ảnh người phụ nữ “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.
Bằng quyết tâm, nghị lực của mình, chị Mai đã thực hiện được ước mơ xây dựng một mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả cao trên chính mảnh đất quê hương. Tin tưởng rằng, trong tương lai mô hình trang trại của gia đình chị Mai sẽ ngày càng mở rộng và là địa chỉ tin cậy để các chị em phụ nữ đến tham quan, học tập, nhân rộng cách làm hay góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh./.