Nhóm múa của huyện Châu Đức gồm 20 CTV là những người yêu thích bộ môn múa. |
|
Những nhóm múa không chuyên đóng vai trò khá quan trọng trong các chương trình nghệ thuật quần chúng phục vụ nhân dân trong những ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước. Một số địa phương đã tích cực tìm tòi, gây dựng các nhóm múa từ cơ sở.
Những ngày này, vào các buổi tối, tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao (VHTTTT) huyện Châu Đức, nhóm múa cộng tác viên (CTV) của trung tâm say sưa tập luyện, chuẩn bị chương trình văn nghệ phục vụ nhân dân trong dịp lễ kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30-4. Chị Mai Phương Bích Thủy, cán bộ trung tâm cho biết, nhóm múa được thành lập hơn 10 năm, đến nay có khoảng 20 CTV, là lực lượng nòng cốt cho đội văn nghệ của trung tâm. Theo chị Thủy, từ nhu cầu của trung tâm khi biểu diễn phục vụ ở các xã, thị trấn trên địa bàn, chị đã tuyển chọn những người có năng khiếu làm CTV. Do ban ngày bận công việc chuyên môn nên buổi tối cả nhóm mới tập trung được. Trước mỗi chương trình, nhóm phải tập gần một tháng vào các buổi tối. Ngày cuối tuần, mọi người lại cố tranh thủ tập cả 3 buổi: sáng, chiều, tối. Nhiều CTV nhà xa trung tâm hàng chục cây số nhưng vẫn không bỏ buổi tập nào.
Chị Nguyễn Thị Ái Châu là giáo viên trường mầm non Sao Mai (thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức). Năm nay 30 tuổi, chị Ái Châu đã có hơn 10 năm làm CTV cho nhóm múa của trung tâm VHTTTT huyện Châu Đức. Sinh hoạt trong nhóm múa, chị quen biết, yêu rồi lấy chồng cũng là một CTV của trung tâm. Công việc bận rộn, chồng chị không còn sinh hoạt ở trung tâm, nhưng hiểu niềm đam mê của vợ, nên anh vui vẻ hỗ trợ bằng cách giữ con để chị đi tập luyện, phục vụ bà con. Theo chị Ái Châu, để luyện được các động tác hình thể thật mềm dẻo đã khó, diễn viên múa còn phải tập biểu cảm cho phù hợp nội dung ca khúc. Vì thế, những diễn viên không chuyên như chị thường phải chép nhạc về để luyện tập thêm. “Bận việc cơ quan, việc gia đình, rồi con nhỏ, nhưng tôi vẫn yêu thích và gắn bó với nhóm múa. Tôi nghĩ rằng có đam mê thì tất cả đều sắp xếp được”, chị Ái Châu nói. Cộng tác lâu năm với trung tâm, chị Ái Châu đã có thể tự biên đạo được một số bài múa để biểu diễn tại trường.
Cũng gây dựng nhóm múa từ phong trào, nhóm CLB Giai điệu xanh của chị Lê Thị Kim Anh (Trung tâm VHTTTT TP. Vũng Tàu) sau hơn 10 năm thành lập hiện có khoảng 40 CTV. Chị Kim Anh cho biết, các CTV đều là người yêu thích, đam mê và tham gia nhóm. Các diễn viên “tay ngang” này có giờ sinh hoạt khác nhau. Một số người đang là sinh viên, số khác đã đi làm nên các buổi tối và dịp cuối tuần mới có thể tập hợp được cả nhóm. “Trung tâm không có đội thông tin tuyên truyền nên các CTV là lực lượng nòng cốt của trung tâm trong các hội diễn, hội thi quần chúng hoặc các dịp lễ. Mỗi khi có chương trình, tất cả phải chịu khó tập luyện, cố gắng rồi cũng trơn tru hết”- chị Kim Anh chia sẻ.
Theo ông Trương Công Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện nay có một số nhóm múa phong trào có chất lượng tốt như nhóm múa ở huyện Châu Đức, nhóm múa ở TP. Vũng Tàu, Tân Thành và thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ). Đây là lực lượng CTV thường xuyên của Trung tâm Văn hóa tỉnh, bởi cả trung tâm chỉ có 1 diễn viên múa được đào tạo bài bản. Những chương trình gọn nhẹ, trung tâm cần thêm 12 diễn viên, trong đó 10 diễn viên múa. Còn nếu dàn dựng chương trình lớn, trung tâm phải huy động tới 40, thậm chí 50 diễn viên. Trung tâm đã thử theo hướng kết hợp giữa đội tuyên truyền lưu động với các nhóm múa là CTV và đã nhận được sự hưởng ứng của khán giả. “Điều tôi trăn trở hiện nay là cần có chế độ cho các CTV này. Để gây dựng được một nhóm múa thật không dễ dàng gì, nhưng duy trì được lại không đơn giản. Hầu hết các nhóm múa tự bổ sung lực lượng và tìm kiếm các “hạt nhân” để gây dựng và duy trì nhóm bằng phong trào từ cơ sở của mình” - ông Lý cho biết thêm.
Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH