CNLĐ tham gia lớp lễ tân khách sạn tại Trung tâm Đào tạo nghề thường
xuyên (trường CĐ Nghề du lịch Vũng Tàu).Với mong muốn nâng cao kỹ năng nghề, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công việc, hàng ngàn công nhân lao động (CNLĐ) trên địa bàn tỉnh đã tham gia các khóa học buổi tối.
Nhiều năm qua, trường CĐ Nghề quốc tế Vabis Hồng Lam (huyện Tân Thành), trường CĐ Nghề Dầu khí (TP.Vũng Tàu), trường CĐ Nghề tỉnh... đã trở thành lựa chọn của CNLĐ khi đăng ký các khóa học buổi tối. Dù ban ngày đi làm vất vả nhưng tối đến hàng ngàn CNLĐ vẫn chăm chỉ học các khóa tiếng Anh, nghiệp vụ buồng, lễ tân khách sạn, nghiệp vụ kế toán, hàn… để nâng cao trình độ, tay nghề. Chị Lê Thị Hồng, học viên Trung tâm Đào tạo nghề thường xuyên (trường CĐ Nghề du lịch Vũng Tàu) cho biết, chị đã học xong CĐ và đi làm được 1 năm. Hiện chị chuyển sang làm việc cho khách sạn 3 sao tại TP.Vũng Tàu nên chị đang theo học lớp lễ tân khách sạn để nâng cao kỹ năng nghề.
Đối với CNLĐ ban ngày đi làm, buổi tối đi học là khá vất vả nhưng xác định mức độ cạnh tranh lớn và cơ hội việc làm nên hàng ngàn CNLĐ vẫn kiên trì đi học tại các cơ sở đào tạo nghề. Đối với họ, thuận lợi nhất là vừa được học lý thuyết, vừa được thực hành bằng chính công việc họ đang làm ngay tại nơi làm việc nên việc nâng cao tay nghề sẽ nhanh hơn. Như anh Dương Văn Út (SN 1990), sau 2 năm làm việc tại Công ty Thái Bình Dương (TP.Vũng Tàu), anh vẫn tiếp tục đăng ký học lớp hàn điện tại trường CĐ Nghề tỉnh. Anh Út cho biết, công ty anh chuyên về cơ khí nên một người có thể làm nhiều vị trí khác nhau khi cần. Vì thế, anh phải đi học thêm nghề hàn. Đây là môi trường thuận lợi để anh áp dụng ngay những kiến thức được học vào thực tiễn công việc.
Theo đánh giá của các cơ sở đào tạo nghề, lao động của BR-VT đang gặp bất lợi trong cạnh tranh về kỹ năng nghề. Hiện các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đang từng bước xây dựng, cải thiện nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua phát triển kỹ năng nghề cao hơn cho CNLĐ để đủ sức cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực. Theo thống kê của Sở LĐTBXH, mỗi năm, BR-VT có hơn 26.000 lao động học nghề sơ cấp. Trong đó, các ngành nghề được đào tạo mở dần theo nhu cầu thực tế của người học và DN, từng bước đáp ứng phù hợp với ngành nghề trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề thường xuyên (trường CĐ Nghề du lịch Vũng Tàu) cho biết, mỗi năm trung tâm đào tạo khoảng 1.000 học viên các lớp sơ cấp nghề buổi tối. Học viên chủ yếu là CNLĐ đi làm nhưng chưa có bằng nên đăng ký học để lấy chứng chỉ nghề và nâng cao kỹ năng nghề. Ngoài đào tạo buổi tối tại trường, trung tâm còn được DN đặt hàng đến tận nơi dạy cho học viên. “Thông thường học viên các lớp này học rất nhanh vì đã có thực tế làm việc. Học viên biết mình cần học cái gì và mục đích học để làm gì nên rất cố gắng, dù rằng, sau cả ngày làm việc vất vả, lớp học lại bắt đầu từ cuối giờ chiều đến tận 9 giờ tối, nhưng học viên vẫn chăm chỉ, ít vắng và đúng giờ”- bà Hương cho biết.
Ông Huỳnh Việt Triều, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐTBXH) cho rằng, xu hướng học thêm buổi tối để nâng cao tay nghề của CNLĐ là đúng với nhu cầu thực tế, đòi hỏi của công việc. Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, cạnh tranh việc làm ngày càng căng thẳng hơn nên không ít lao động ý thức được điều này để tự tìm cách nâng cao tay nghề theo chuẩn khu vực và thế giới. Thị trường lao động đòi hỏi người lao động phải từng bước đạt được chuẩn nghề nghiệp, có kỹ năng cao. Vì thế, xu hướng tham gia các lớp học buổi tối đã được nhiều CNLĐ lựa chọn.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN