Bắt đầu hoạt động từ tháng 9-2013, Bảo tàng Côn Đảo góp phần làm phong phú thêm điểm tham quan cho du khách khi đến huyện Côn Đảo. Tuy nhiên, do thiếu sự kết nối với các DN lữ hành và BQL di tích Côn Đảo nên Bảo tàng chưa thu hút được nhiều khách tham quan.
Ông Lưu Văn Nhi, Giám đốc Bảo tàng Côn Đảo cho biết, Bảo tàng có hơn 2.000 tài liệu, hiện vật, trưng bày theo 4 chủ đề gồm: Côn Đảo - thiên nhiên con người; Côn Đảo - địa ngục trần gian; Côn Đảo - trận tuyến và trường học; Côn Đảo ngày nay. Năm 2013, Bảo tàng đón hơn 8.000 lượt khách đến tham quan. Con số này của năm 2015 là hơn 26.000 lượt và từ đầu năm đến nay, Bảo tàng đã đón 7.447 lượt khách. Tuy nhiên, đây là con số còn rất khiêm tốn so với lượng khách du lịch đến Côn Đảo hàng năm (năm 2015 Côn Đảo đón 134.262 lượt khách).
Điều đáng nói, Bảo tàng Côn Đảo tọa lạc ở ngay trung tâm thị trấn Côn Sơn, nhưng khách đến Côn Đảo lại chủ yếu vào thăm di tích Nhà tù Côn Đảo (thuộc BQL di tích Côn Đảo). Cụ thể, trong năm 2015, BQL di tích Côn Đảo đón 54.227 lượt khách (trong khi khách đến Bảo tàng chỉ hơn 26.000 lượt). Từ đầu năm đến nay, BQL di tích Nhà tù Côn Đảo đón 26.729 lượt khách thì khách đến Bảo tàng chỉ là hơn 7.400 lượt. Theo một số DN lữ hành trên địa bàn tỉnh, khách đến Côn Đảo có thời gian lưu trú ngắn (3 ngày 2 đêm) nên thường ưu tiên tham quan các di tích tiêu biểu của huyện đảo. Bà Phạm Thị Ngọc Dung, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP du lịch Vietravel, Chi nhánh Vũng Tàu cho biết, trong tour đưa khách tham quan Côn Đảo của Vietravel có các điểm đến: Nhà Chúa đảo, trại giam Phú Hải, Chuồng cọp Pháp-Mỹ, Nghĩa trang Hàng Dương, Cầu tàu 914, Miếu bà Phi Yến… nhưng không có Bảo tàng Côn Đảo. Đại diện Công ty TNHH MTV Lữ hành Vũng Tàu (VTTour) cũng cho biết, khách đi Côn Đảo thường chọn tham quan các bãi biển và hệ thống di tích Nhà tù mà không vào Bảo tàng.
Nguyên nhân, theo đại diện các DN lữ hành trên là do Bảo tàng Côn Đảo và BQL di tích Côn Đảo cùng có hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ khá tương đồng. Cụ thể, Bảo tàng Côn Đảo có phòng trưng bày hiện vật, tài liệu, tổ chức các đợt trưng bày, triển lãm, kiểm kê, sưu tầm, bảo quản tài liệu, hiện vật, thuyết minh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản… thì BQL di tích Côn Đảo cũng có các hoạt động tương tự. Điều bất cập ở chỗ, hai đơn vị này lại hoạt động gần như độc lập, chưa có sự liên kết với nhau, chưa tạo được chuỗi liên kết sản phẩm du lịch để hấp dẫn khách. Vì thế, trong điều kiện thời gian hạn chế, việc khách ưu tiên chọn tham quan di tích Nhà tù Côn Đảo hơn đến Bảo tàng là điều dễ hiểu.
Bà Phạm Thị Tám, Trưởng BQL di tích Côn Đảo cho biết, Nhà tù Côn Đảo là điểm du lịch nổi tiếng với lượng khách đến tham quan ngày càng đông. Vì vậy, để Bảo tàng Côn Đảo thu hút khách thì cần sáp nhập với BQL di tích Nhà tù Côn Đảo. Khi đó, BQL di tích Nhà tù Côn Đảo sẽ có điều kiện để hướng khách tham quan Bảo tàng. Chung quan điểm này, ông Lưu Văn Nhi nói: “Nếu sáp nhập, Bảo tàng sẽ được đưa vào tour, tuyến tham quan, tạo ra vòng kết nối với các điểm di tích, danh thắng khác trên địa bàn huyện, tạo sự mới mẻ cho tour du lịch đến Côn Đảo”. Trong hành trình khám phá mảnh đất linh thiêng Côn Đảo, du khách sau khi tham quan Nhà tù Côn Đảo sẽ tiếp tục thăm Bảo tàng để hiểu rõ hơn về lịch sử thông qua những hiện vật, tài liệu được trưng bày tại đây. Không những thế, bộ máy, con người hai bên có thể hỗ trợ tốt cho nhau trong việc tiếp đón, thuyết minh, hướng dẫn khách tham quan.
Trước thực trạng trên, Sở VHTTDL đã xây dựng Đề án nâng cấp BQL di tích Côn Đảo thành Khu di tích lịch sử Côn Đảo trên cơ sở sáp nhập hai đơn vị BQL di tích Côn Đảo và Bảo tàng Côn Đảo nhằm đáp ứng yêu cầu trong việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị khu di tích đặc biệt cấp quốc gia Nhà tù Côn Đảo gắn với phát triển du lịch, kinh tế địa phương. Ông Hồ Văn Lợi, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết thêm, Sở đang tổ chức lấy ý kiến để hoàn chỉnh đề án gửi Sở Nội vụ thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt.
Bài, ảnh: THI PHONG