TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Sáu, 22/11/2024
Tin tức trong nước
Tin tức trong tỉnh
Tin thế giới
Tổng quan về xã
Hoạt động UBND
Sản phẩmGương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
Dịch vụ
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Mùa thu hoạch lúa

Chăm sóc cây ăn quả

Mô hình nuôi nhím hiệu quả kinh tế cao

Lượt truy cập: 347500
  TIN TỨC TRONG TỈNH

  Du lịch vẫn chưa giữ chân được du khách
21/05/2016
                    Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đi thực tế tại làng nghề nấu rượu ở xã Hòa Long, TP. Bà Rịa.
                    Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đi thực tế tại làng
                    nghề nấu rượu ở xã Hòa Long, TP. Bà Rịa.

Bà Rịa-Vũng Tàu có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Tuy nhiên, do các sản phẩm du lịch của tỉnh còn nghèo nàn, đơn điệu, nên chưa giữ chân được du khách ở lại dài ngày, doanh thu từ du lịch còn thấp.

PHÁT TRIỂN CHƯA TƯƠNG XỨNG VỚI TIỀM NĂNG

Tài nguyên du lịch của BR-VT đa dạng và phong phú với những bãi biển đẹp, nhiều di tích, danh thắng thuộc hàng hiếm có như: ngọn hải đăng hơn 100 năm tuổi, tượng Chúa dang tay… Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, chùa chiền nổi tiếng như: Niết bàn Tịnh Xá, Thích ca Phật Đài, di tích lịch sử Minh Đạm cùng hệ thống các địa đạo; các lễ hội dân gian gắn liền với đời sống của ngư dân miền biển như: Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội Dinh Cô… có thể thu hút khách du lịch. 47 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc trên địa bàn tỉnh đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Tuy nhiên do chưa có sự phối hợp tốt giữa Ban quản lý các di tích này với các công ty lữ hành, nên nhiều di tích chưa được đưa vào tuyến, điểm tham quan thường xuyên của các tour du lịch.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Giám đốc Công ty du lịch Alpha Travel (số 14 Phan Đăng Lưu, TP. Vũng Tàu) cho biết: Các di tích lịch sử nằm rải rác ở nhiều địa phương và chỉ có một số được khai thác phục vụ du lịch như: Địa đạo Long Phước, Bến tàu không số Lộc An, Bạch Dinh… Để đáp ứng nhu cầu khám phá của khách, các DN du lịch không ngại tự nghiên cứu, tìm điểm đến để đưa khách tới tham quan. Thế nhưng, một số điểm đến hiện nay còn tồn tại tình trạng ô nhiễm môi trường, người ăn xin, bán hàng rong chèo kéo du khách, một số nơi bị xuống cấp, nhếch nhác... nên không hấp dẫn được du khách. Ông Nguyễn Tôn Hoàng, Tổng Giám đốc Vung Tau Intourco cho rằng, sản phẩm du lịch của tỉnh hiện chỉ dừng lại ở việc đưa du khách đi tắm biển, thưởng thức đặc sản biển. Những tour độc đáo, hấp dẫn du khách còn hạn chế. Vì vậy, đa số du khách tới Vũng Tàu thường đi về trong ngày hoặc chỉ lưu trú 1 đêm.

Ông Hồ Văn Lợi, Giám đốc Sở VHTTDL cũng thừa nhận, sản phẩm du lịch của tỉnh chưa tạo nhiều đột phá mang tính sáng tạo. Sự liên kết phát triển du lịch còn nhiều hạn chế. Loại hình du lịch, dịch vụ chưa đa dạng, thiếu khu vui chơi giải trí, trung tâm biểu diễn nghệ thuật… hoặc có nhưng đầu tư chưa đúng mức. Ngoài ra, việc xây dựng các khu, tuyến, điểm du lịch và việc liên kết các tour, tuyến còn chung chung, chưa cụ thể hóa, các giải pháp đã được đề ra nhưng triển khai còn chậm, chưa đáp ứng được mục tiêu và nhu cầu phát triển du lịch.

TẠO SẢN PHẨM ĐỂ “HÚT” KHÁCH

Thực tế cho thấy, sản phẩm du lịch là một yếu tố rất quan trọng, quyết định việc khách có quay trở lại hay không. Ngành du lịch đang nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn để phát triển du lịch, trong đó, việc tạo ra sản phẩm mang đặc trưng riêng của địa phương được cả DN lẫn các nhà quản lý quan tâm. Theo đó, Sở VHTTDL đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo về vấn đề phát triển sản phẩm du lịch. Ngành du lịch xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung nghiên cứu, từng bước hình thành sản phẩm du lịch đặc thù mang tính địa phương tạo được sự khác biệt, hấp dẫn du khách. Bước đầu, các DN du lịch trên địa bàn tỉnh cũng đã xây dựng nhiều loại sản phẩm du lịch đặc trưng như: du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí gắn liền với biển; du lịch MICE (hội nghị, hội thảo) gắn với các dịch vụ khách sạn cao cấp; du lịch văn hóa lịch sử, du lịch chữa bệnh gắn liền với suối nước nóng Bình Châu; du lịch sinh thái phát triển ở Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu, Vườn quốc gia Côn Đảo... Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa là đủ.

Theo ông Nguyễn Lập, Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu, ngành du lịch phải hướng mạnh đến việc “bán” những gì du khách cần, chứ không phải là bán những cái ta sẵn có. Sản phẩm du lịch của Vũng Tàu nói riêng và tỉnh BR-VT nói chung lâu nay chủ yếu dựa vào các yếu tố tự nhiên, chưa được đầu tư đúng mức và chưa khai thác được tiềm năng; có nhiều loại hình du lịch nhưng sản phẩm còn đơn điệu, không hấp dẫn khách. Khách đến Vũng Tàu không biết mua gì về làm quà cho bạn bè, người thân. Làm du lịch nhưng chúng ta chỉ mới biết “bán” những gì đang có mà chưa biết “bán” những gì du khách cần. Ông Lập đề nghị các DN du lịch cần liên kết với nhau, tận dụng từng thế mạnh của DN để xây dựng tour, tuyến và tăng sự đa dạng của sản phẩm du lịch nhằm giữ chân khách lưu trú dài ngày.

Trong khi đó, ông Trần Phúc Chỉnh, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị nên mạnh dạn loại bỏ những điểm đến thiếu hấp dẫn để dồn sức đầu tư cho các điểm giàu tiềm năng. Theo ông Chỉnh, vừa qua, đoàn giám sát của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh đã đi thực tế và làm việc với Sở VHTTDL và các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh về tình hình triển khai các sản phẩm du lịch. Trong số 62 điểm đến du lịch (không tính huyện Côn Đảo) do Sở VHTTDL khảo sát, chỉ có 36 điểm di tích, danh thắng, KDL, resort thu hút đông du khách và 13 điểm có thể phát triển thành các sản phẩm du lịch, tạo điểm tham quan cho du khách như: địa đạo Long Phước (TP. Bà Rịa); di tích Minh Đạm và Thiền viện Trúc Lâm Chơn Nguyên (huyện Đất Đỏ); KDL Hồ Cốc (huyện Xuyên Mộc); Đình thần Thắng Tam, Hòn Bà, KDL Hồ Mây (TP. Vũng Tàu)… Số còn lại rất ít khách tham quan. Qua đó, đoàn đã đề nghị Sở VHTTDL cũng như các địa phương rà soát lại các sản phẩm du lịch, bao gồm: các điểm di tích, danh thắng, KDL, resort… chỗ nào có thể đầu tư được thành sản phẩm du lịch thì đề nghị tỉnh có kế hoạch xây dựng, đầu tư; chỗ nào chưa đủ các yếu tố phát triển thì loại bỏ.

Bài, ảnh: THANH NGA

Theo baobariavungtau.com.vn ngày 20/5/2016
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 881 204 - Fax: (84.064) 3 881 204
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu