Với khuôn viên trang trại hơn 1.800 m2, năm 2014 anh đã xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi quy mô với 15 ô nuôi. Hiện nay trang trại của anh nuôi 15 lợn nái sinh sản. Mỗi năm lợn nái sinh sản 3 lứa, mỗi lứa trung bình 10 con lợn sữa/01 con lợn nái, như vậy một năm anh có 450 con lợn sữa. Anh nuôi 01 tháng rồi bán cung cấp giống cho nhân dân trong và ngoài xã có nhu cầu. Mỗi con lợn sữa trung bình có giá từ 800.000 đồng - 1.000.000 đồng. Trừ mọi chi phí cho thu lãi gần 300 triệu đồng mỗi năm.
Để tiết kiệm nguồn thức ăn trong chăn nuôi anh sử dụng men vi sinh được làm từ sắn tươi, ngô và dây khoai băm nhỏ rồi ủ trong vòng 25 ngày đem cho lợn nái ăn. Anh cho biết cách làm men vi sinh rất đơn giản: Đầu tiên xây một bể xi măng có kích thước: sâu 1,5 m, rộng 3,5 m, dài 5m. Mua củ sắn tươi, làm sạch, duôi nhỏ. Sau đó cứ 1 tạ sắn tươi đem ủ với 1 kg muối trắng + 30 kg ngô + 20 kg dây khoai lang băm nhỏ trộn đều. Đem ủ 25 ngày là lợn nái ăn được. Đặc biệt trong quá trình ủ phải nèn chặt, phủ nilon kín không để không khí và nước mưa lọt vào nếu không thức ăn sẽ bị thối, mốc, lợn không ăn được.
Anh Hòa đang chăm sóc đàn lợn nái
Theo kinh nghiệm chăn nuôi của anh nhiều năm nay: “Thức ăn từ men vi sinh vừa giúp tiết kiệm được chi phí, vừa giúp lợn nái kháng được bệnh tật và sinh sản tốt”. Về bí quyết nuôi lợn nái sinh sản, anh nói: “Tôi cũng đã nghiên cứu kỹ qua sách vở, qua các phương tiện thông tin đại chúng để biết chăm sóc sau sinh cho lợn nái. Lúc lợn nái mới sinh, trong vòng một tháng đầu tôi cho ăn cám công nghiệp “Mẹ nuôi con”, sau đó tôi cho lợn nái ăn men vi sinh do tôi tự ủ”. Anh cho chúng tôi biết thêm: “Nhiều người lo lắng rằng ăn men vi sinh ủ từ sắn tươi như thế lợn sẽ bị say sắn nhưng với tôi qua quá trình ủ rất công phu, lợn nái do tôi nuôi sinh sản tốt, đều lứa, đều con và mỗi lứa hàng chục con, rất đẹp. Nhờ đó tôi đã tiết kiệm được nhiều chi phí mà vẫn có con giống tốt cung cấp ra thị trường”.
Đầu năm 2015 gia đình anh đã đầu tư gần 18 triệu đồng để xây hệ thống biogas xử lý chất thải trong chăn nuôi và tiết kiệm làm chất đốt phục vụ cuộc sống rất hiệu quả.
Bên cạnh việc nuôi lợn nái sinh sản, hiện nay anh còn có 7 sào ao thả cá với các loại cá như: cá trắm, rô phi đơn tính, mè, trôi, đặc biệt là nuôi cá chép. Dự định năm nay sẽ cho thu hoạch khoảng 150 triệu đồng, trừ đi mọi chi phí còn lãi khoảng 60 triệu đồng.
Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình trang trại tổng hợp của gia đình anh Trần Anh Hòa, anh Trần Quốc Toản - Phó chủ tịch UBND xã Yên Luật cho biết: “Hiện nay xã Yên Luật có khoảng gần 40 mô hình làm kinh tế giỏi, điển hình có mô hình của đồng chí Trần Anh Hòa. Đây là một trong những mô hình chúng tôi đánh giá là đạt hiệu quả kinh tế cao, mô hình chăn nuôi khép kín sạch sẽ, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5-8 lao động, giúp họ có cuộc sống ổn định”.
Tâm sự với chúng tôi về định hướng phát triển mô hình kinh tế trong thời gian tới, anh Hòa cho biết: “Hiện nay tôi chỉ nuôi lợn nái sinh sản và bán lợn con làm giống nhưng trong thời gian sớm nhất có thể tôi dự định sẽ mở rộng mô hình chăn nuôi, xây dựng mới thêm chuồng trại để nuôi lợn thịt thương phẩm, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho lao động tại địa phương”.