TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Năm, 21/11/2024
Tin tức trong nước
Tin tức trong tỉnh
Tin thế giới
Tổng quan về xã
Hoạt động UBND
Sản phẩmGương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
Dịch vụ
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Mùa thu hoạch lúa

Chăm sóc cây ăn quả

Mô hình nuôi nhím hiệu quả kinh tế cao

Lượt truy cập: 346588
  TÀI LIỆU KHCN

  Đà Nẵng: Nông dân Hòa Vang phát triển kinh tế nhờ sản xuất nấm sò
30/06/2016
Đến thăm cơ sở sản xuất nấm của ông Phước - bà Danh ở thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang thấy cả gia đình đang tất bật đóng bịch giá thể. Ông Phước một tay vừa chỉ vào cơ sở làm nấm sò, một tay chỉ vào ngôi nhà 2 tầng khang trang đang sắp hoàn thiện, miệng hồ hởi nói: “Nhờ nấm mà ra đó mấy cô à”.        

Ông Phước kể, gia đình mới trồng nấm mấy năm gần đây, nhưng thấy hiệu quả kinh tế cao nên duy trì và mở rộng thêm nhiều diện tích. Trước đây, con trai của ông trong một dịp đến UBND xã Hòa Phong có việc, vô tình xã đang tổ chức lớp tập huấn trồng nấm. Vốn tính hiếu kỳ lại ham học hỏi nên anh lặng lẽ vào lớp ngồi học. Thấy kỹ thuật trồng nấm cũng không quá phức tạp, về nhà nghiên cứu thêm tài liệu, anh đã mua một số bịch nấm về trồng thử. Một thời gian sau cả nhà có một bữa đặc sản nấm. Từ đó, gia đình ông Phước bắt đầu bước vào nghề trồng nấm.

Ông Phước thuê hai khu để trồng nấm với giá 20 triệu đồng/năm, một khu dùng để ươm nấm, một khu để treo nấm. Theo kinh nghiệm của ông, phải ươm nấm ở một nơi, treo một nơi mới cách ly nấm bệnh. Hiện tại nhà treo có khoảng 7.000 bịch nấm đang cho thu hoạch, trong đó 80% là nấm sò tím, còn lại là nấm sò trắng. Được biết, trong 2 năm trở lại đây, thị trường Đà Nẵng rất chuộng nấm sò tím, bởi độ giòn và đậm ngọt hơn nấm sò trắng. 4000 bịch nấm đang được gia đình gia công để cho vào nhà ươm. Ông Phước cho biết, 1 năm ông trồng khoảng 32.000 bịch nấm, nếu không hư hỏng gì, sau khi trừ tất cả chi phí, ông thu được khoảng 70 triệu đồng.

Chúng tôi tiếp tục ghé thăm gia đình chú Toàn ở thôn An Tân, xã Hòa Phong, một trong những hộ trồng nấm có thâm niên của xã. Hiện nhà trồng nấm của chú Toàn đang treo khoảng 6.000 bịch nấm, số còn lại vẫn đang được gia công để treo hết khoảng không gian mới được mở rộng thêm. Nghe chú kể, trước đây tận dụng cơ sở sẵn có gia đình, lấy tre làm trụ nên trại nấm của chú cũng tạm bợ. Thời gian gần đây chú mở rộng thêm diện tích, xây dựng kiên cố trụ xi măng để phát triển lâu dài. Bình quân 1 ngày gia đình chú thu được khoảng 25-30 kg, những ngày nấm rộ có lúc lên đến 100 kg với giá bán bình quân 25.000 đồng/kg nấm sò trắng, 35.000 đồng/kg nấm sò tím tại chợ đầu mối. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, chỉ với 4.000 bịch nấm tím, sau khi trừ chi phí, chú lãi 20 triệu đồng.

Theo chia sẻ của các hộ trồng nấm sò tại xã Hòa Phong, năm nay ai cũng phấn khởi bởi nấm cho năng suất cao, lại bán được giá. Trồng nấm sò không phải chăm sóc vất vả, dãi dầm nắng mưa như trồng những loại nông sản khác. So với trồng lúa, thu nhập từ trồng nấm cao hơn từ 4 đến 5 lần. Về nguyên liệu, trồng nấm sò dễ kiếm hơn nấm rơm. Chú Toàn cho biết: “Để có nguồn rơm đảm bảo cho trồng nấm rơm quanh năm phải đầu tư máy cắt lúa, rồi hợp đồng với các thôn trưởng để đến vụ thu hoạch lúa họ để rơm cho mình, còn phải dặn dò thật kỹ với họ là lúa phải cắt sát gốc mới được.” Còn nguyên liệu để trồng nấm sò chủ yếu là mùn cưa cao su mua từ Gia Lai, rồi các phụ gia khác như cám bắp, cám gạo, vôi, bột nở, những nguyên liệu này luôn chủ động được. Kinh nghiệm của chú Toàn để nấm sò đạt năng suất cao là khi chọn nguyên liệu cám bắp nên mua bắp sấy từ Gia Lai, hạt bắp đều, sạch sẽ, không lẫn lộn đất đá, được sấy khô hoàn toàn. Đối với chọn meo giống cũng cần có mẹo, chú Toàn nói: “Tùy thời tiết mà chọn nguồn meo giống, đối với mùa hè nên mua meo giống ở địa phương như Trại phát triển giống nấm Điện Ngọc, Quảng Nam, Trường Cao Đẳng lương thực thực phẩm, nhưng vào mùa đông nên mua meo giống ở miền Bắc”.

Theo chị Võ Thị Tuyên – khuyến nông viên xã Hòa Phong, hiện nay trên địa bàn xã Hòa Phong có khoảng 11 hộ trồng nấm các loại, trong đó khoảng 6 hộ trồng nấm sò. Nghề trồng nấm sò đem lại một nguồn thu nhập khá cao cho người nông dân. Tuy nhiên khó khăn hiện nay của các hộ là nguồn giống còn phụ thuộc nhiều vào cơ sở cung ứng, chất lượng lúc đạt lúc không. Bên cạnh đó khí hậu miền Trung nói chung, khí hậu Đà Nẵng nói riêng rất khắc nghiệt, nhất là những mùa nắng nóng nhiệt độ tăng cao, gây khó khăn cho sự sinh trưởng phát triển của nấm. Vì vậy vào mùa nắng nóng cán bộ khuyến nông khuyến cáo bà con nông dân nên làm thông thoáng nhà trồng để không khí được lưu thông, tăng cường số lần tưới nước để làm mát nhà trồng nấm, nếu có điều kiện bà con đầu tư thêm hệ thống tưới phun sương tự động để tiết kiệm công tưới, điều khiển ẩm độ nhà trồng luôn ổn định. Cần lưu ý không tưới thẳng lên bịch phôi mà phun xịt tạo mưa nhẹ rơi từ trên xuống, tưới ướt các vách, nóc và nền nhà để tạo độ ẩm không khí.

Chị Võ Thị Hồng Tuyên, KNV xã Hòa Phong thường xuyên ghé thăm, theo dõi tình hình sản xuất nấm của các hộ dân

Nấm sò là thực phẩm sạch, có rất nhiều giá trị dinh dưỡng, nó chứa nhiều protein, vitamin và các acid amin có nguồn gốc thực vật, cơ thể dễ hấp thụ. Với hàm lượng protein cao, nấm sò hoàn toàn có thể bổ sung thêm lượng đạm thay thế các món ăn từ thịt, cá có nguồn gốc từ động vật dễ gây béo phì, phù hợp cho các bệnh nhân bị tiểu đường, bệnh gút, mỡ máu cao và những người thích ăn chay. Đặc biệt trước cơn sốt vệ sinh an toàn thực phẩm như hiện nay, nấm ăn trở thành thực đơn trong các bữa ăn của nhiều gia đình.

Phát triển nghề trồng nấm là một trong những chương trình được Sở Nông nghiệp và PTNT Đà Nẵng quan tâm và được đề xuất là sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của thành phố Đà Nẵng. Trồng nấm để phát triển kinh tế đang là một lựa chọn của nhiều bà con nông dân nơi đây.

Thanh Thúy, Trung tâm KNNL Đà Nẵng
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 881 204 - Fax: (84.064) 3 881 204
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu