Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đồng chiêm trũng, vợ chồng anh Tiếp đã nhận thấy tiềm năng trong việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Bởi vậy năm 2000, khi xã Trừng Xá có chủ trương khuyến khích người dân chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa năng suất thấp sang phát triển kinh tế trang trại, gia đình anh Tiếp đã chuyển đổi hơn 2,5 mẫu đất ruộng của thôn Trừng Xá, đầu tư khoảng 50 triệu đồng đào ao, đắp bờ chuyên nuôi thả cá.
Tuy nhiên để “chinh phục” vùng đất chiêm trũng hoang hoá, vợ chồng anh Tiếp đã trải qua nhiều khó khăn vất vả, thậm chí cả thất bại do chưa am hiểu về kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi cá. Không nản chí, sau mỗi lần thua lỗ, bằng sự ham học hỏi, sáng tạo trong cách làm ăn mới, gia đình anh đã thành công khi biết quy hoạch khu nuôi và lựa chọn các đối tượng nuôi mới phù hợp.
Theo đó, trong 2,5 mẫu đất, gia đình anh Tiếp quy hoạch thành 2 ao, 1 ao nuôi ba ba, 1 ao nuôi cá, 200m2 diện tích chuồng trại. Nắm bắt được nhu cầu thị trường vừa mới mẻ lại nhiều tiềm năng từ các con thủy đặc sản, anh đã tìm đến một số nơi ở miền Nam và miền Trung để học hỏi kinh nghiệm và cách thức chăn nuôi.... Sau một thời gian đi học hỏi các nơi, trở về quê hương anh đã mạnh dạn triển khai nuôi ếch, ba ba, lươn... Những đối tượng nuôi này không đòi hỏi diện tích nhiều nhưng yêu cầu phải nắm chắc kỹ thuật nuôi mới có thể thành công.
Theo anh Tiếp, nuôi mỗi loại con đặc sản có cái khó tính riêng, chẳng con nào giống con nào nhưng nhờ làm đúng quy trình kỹ thuật, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh nên lứa ba ba, ếch, lươn, cá... nào của nhà anh cũng đạt kết quả tốt. Hiện nay, ngoài diện tích ao thả cá gần 3.000 m2, gia đình anh Tiếp nuôi thường xuyên 1 ao ba ba thương phẩm với diện tích 360m2, 1 vạn con ếch thương phẩm và 10.000 con lươn không bùn… Được biết, hàng năm sau khi trừ chi phí các loại, thu nhập từ trang trại của gia đình anh Nguyễn Đình Tiếp luôn ở mức 200 triệu đồng.
Ngoài mô hình nuôi cá, ba ba, ếch, lươn…, anh còn xây dựng mô hình nuôi giun quế. Giun quế có hàm lượng đạm cao là thức ăn rất phù hợp với các loại gia súc, gia cầm và đặc biệt là các con đặc sản. Từ phương thức chăn nuôi theo hướng liên hoàn này, anh có thể chủ động trong khâu chế biến thức ăn chăn nuôi. Có thể phơi khô giun quế rồi nghiền nhỏ trộn lẫn với cám gạo là có thể tạo thành một loại thức ăn rất tốt cho gia cầm, gia súc và con đặc sản...
Anh Tiếp chia sẻ kinh nghiệm sản xuất của gia đình mình
Nói về kinh nghiệm phát triển kinh tế, anh Tiếp chia sẻ: “Bản thân tôi thường xuyên tìm tòi, học hỏi những kinh nghiệm hay và những tiến bộ kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Rút kinh nghiệm qua thực tế nhiều năm, tôi nhận thấy để vật nuôi phát triển tốt thì quan trọng nhất là khâu chọn giống, con giống phải chuẩn, sạch bệnh và chất lượng. Thứ hai, người chăn nuôi phải có niềm đam mê, không nhụt chí trước những khó khăn, thất bại, phải có định hướng rõ ràng và biết thay đổi để phù hợp với xu hướng thị trường. Người nuôi phải luôn học hỏi những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới”.
Dự định trong thời gian tới, anh Tiếp tiếp tục mở rộng quy mô của trang trại và đa dạng hóa vật nuôi, đặc biệt là một số loại con đặc sản có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Không những làm kinh tế giỏi, anh Tiếp nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế với bà con xung quanh. Đã có rất nhiều người không chỉ ở địa phương mà còn ở các huyện khác đến trang trại của anh để tham quan, học hỏi.
Trong nhiều năm liên tục, anh được công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp huyện là tấm gương sản xuất giỏi để mọi người học tập, làm theo.