Tuy đây là một nghề mới song trong vài năm trở lại đây nuôi vịt trời đã được nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đắk Nông lựa chọn vì nó mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là hộ gia đình ông Phạm Bá Hải ở thôn 2 xã Đăk Buk So, huyện Tuy Đức.
Ông Hải cho biết, cuối năm 2014 khi xem ti vi, ông thấy một số hộ nuôi vịt trời ở Bắc Giang cho thu nhập cao. Nhận thấy gia đình mình có đủ điều kiện nuôi lại muốn tìm hiểu thêm nên ông đã tìm theo địa chỉ đến thăm quan và học hỏi kinh nghiệm,. Sau khi tham quan ông Hải đã mua 30 con về nuôi thử nghiệm. Trong quá trình vận chuyển 1 con bị liệt, còn lại 22 con mái và 7 con trống. Với hy vọng có thể tăng đàn, nâng cao thu nhập cho gia đình, ông thực hiện đúng quy trình kỹ thuật đã học được. Kết quả, đàn vịt phát triển rất tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu tại Đăk Nông, không bị bệnh. Sau thời gian nuôi gần 3 tháng, vịt bắt đầu đẻ trứng. Vịt trời đẻ trứng rất đều, mỗi con có thể đẻ trung bình 20-23 quả trứng/tháng. Thời gian đầu, ông Hải tập trung nhân giống. Vịt trời nhân giống rất nhanh, từ 29 con vịt ban đầu, đến nay, sau một năm nuôi đàn vịt của gia đình ông Hải đã lên đến 7000 con, trong đó có 300 con vịt đẻ.
Đàn vịt trời của gia đình ông Hải
Theo ông Hải, loài vịt trời dù được thuần hóa nhưng vẫn còn tập tính hoang dã, sải cánh khá dài, thân nhẹ dễ bay. Sau khi nuôi 4 tháng, trọng lượng mỗi con đạt khoảng 1 - 1,3kg. Thịt vịt trời rất được thị trường ưa chuộng, bởi ưu điểm thịt chắc, ngọt. Hàng tháng các nhà hàng tại Đăk Nông và Đăk Lăk đặt mua của gia đình ông khoảng 100 con vịt thịt với giá 130.000 đồng/con. Ngoài ra ông còn bán khoảng 5.000 con vịt giống với giá 20.000 đồng/con. Như vậy, mỗi tháng ông thu khoảng trên 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 70 triệu đồng/tháng. Ngoài ra nguồn phân do vịt thải ra được ông Hải ủ hoai rồi bón cho cây trồng vừa tăng năng suất giảm thiểu lượng phân bón hóa học cần sử dụng, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Khi được hỏi về kỹ thuật nuôi vịt trời, ông Hải nói: “Nhìn chung, cách chăm sóc cũng chẳng khác là bao so với nuôi vịt nhà, quan trọng nhất là chuồng nuôi phải sạch sẽ, có máng ăn, uống, vòi nước để thay nước hàng ngày, chuồng nuôi không cần che chắn kỹ, không quá cao nhưng cần thông thoáng. Do đặc tính thích bơi lội nên phải có chỗ cho vịt tắm. Trong quá trình nuôi chỉ cần chú ý khoảng thời gian đầu, sau khi nở phải úm 20 ngày mới cho vịt con xuống nước và ra ngoài. Vịt trời có khả năng kháng bệnh tốt hơn so với các giống vịt khác nên cả quá trình nuôi đến khi xuất bán chỉ cần tiêm một mũi vắc xin phòng bệnh vào thời gian vịt được 35 ngày tuổi. Thức ăn cho vịt chủ yếu là lúa, ngô, đối với vịt đẻ cần bổ sung thêm cám tổng hợp dành riêng cho vịt đẻ. Mỗi ngày cho ăn 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối. Khi vịt đẻ cần bổ sung thêm ánh sáng bằng cách thắp bóng đèn tròn 75W cách mặt nền chuồng 2 – 2,5m, công suất chiếu sáng là 3 – 5 W/m2 nền chuồng thắp 3 – 5 giờ/ngày. Chiếu sáng hợp lý sẽ kích thích đẻ trứng và đảm bảo chất lượng trứng giống cao. Công tác vệ sinh cũng rất quan trọng, cần định kỳ vệ sinh chuồng trại, sử dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp như vỏ trấu để làm đệm lót kết hợp với men vi sinh để khử mùi, đồng thời rắc vôi bột quanh chuồng để diệt vi khuẩn”.
Thành công từ mô hình nuôi vịt trời của gia đình ông Hải đang mở ra một hướng phát triển mới trong chăn nuôi cho các trang trại trên địa bàn tỉnh, bởi vốn đầu tư ít, dễ nuôi, ít gặp rủi ro mà thu nhập lại cao. Tuy nhiên, để nghề nuôi vịt trời có hiệu quả, các hộ chăn nuôi cần chú trọng khâu phòng, chống dịch bệnh cũng như vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
Bà con nông dân có nhu cầu tham quan học tập kinh nghiệm nuôi vịt trời hoặc mua giống hay mua vịt thịt có thể liên hệ với anh Phạm Bá Hải, thôn 2 xã Đắk Búc So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, điện thoại 0978 292383.