Gia đình ông Lê Văn Trung ở thôn Ngọn Ngòi, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên là hộ có thâm niên hàng chục năm với nghề chăn nuôi gà lai Đông Tảo quy mô từ 1.000 con/lứa trở lên, nguồn thức ăn cho gà chủ yếu là thức ăn công nghiệp. Cũng như mọi hộ chăn nuôi khác, ông mong muốn đạt được năng suất và lợi nhuận cao, bên cạnh đó ông cũng luôn có suy nghĩ là coi chất lượng sản phẩm và sức khỏe của người tiêu dùng là tiêu chí quan trọng hàng đầu. Do đó, trong quá trình chăn nuôi, gia đình ông chỉ lựa chọn nguồn thức ăn cho gà từ các cở sở kinh doanh buôn bán thức ăn chăn nuôi có uy tín trên thị trường hoặc của những công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đảm bảo nghiêm ngặt chất lượng cám từ khâu nguyên liệu đầu vào đến quy trình sản xuất cam kết cung cấp nguyên liệu sạch. Thêm nữa, trong chăn nuôi gia đình ông Trung tuyệt đối không sử dụng những thức ăn không rõ nguồn gốc, không phối trộn bất cứ chất gì khác với thức ăn cho gà. Ông Trung quả quyết: “Tôi thấy việc trộn chất cấm vào thức ăn chăn nuôi là việc làm thiếu đạo đức, vì vậy khi mua cám về nuôi gà tôi yêu cầu của hàng kinh doanh phải cam kết chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của chúng tôi”
Cơ sở chăn nuôi lợn thịt hàng hóa của gia đình bà Đào Thị Mai ở thôn 13 xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên có quy mô từ 100 con/lứa trở lên. Thời gian qua, bà cũng không khỏi hoang mang lo lắng khi thường xuyên được nghe thông tin trên tivi, báo đài về các loại chất cấm trong chăn nuôi hay một số cơ sở chăn nuôi bị cơ quan chức năng phát hiện xử phạt. Gia đình bà Mai cũng có suy nghĩ là muốn làm ăn chân chính, cung cấp nguồn thịt lợn sạch an toàn ra thị trường, tuy nhiên để phân biệt thức ăn chăn nuôi có chất cấm hay không lại là vấn đề khó khăn với người chăn nuôi như gia đình bà. Mặt khác, nếu chẳng may mua phải thức ăn chứa chất cấm thì hộ chăn nuôi có thể bị tịch thu đàn lợn, xử phạt và buộc tiêu hủy, không những thế còn có nguy cơ vướng vào vòng lao lý nếu không tự chứng minh được đó là sự vô tình hay cố ý.
Đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi của ông Trần Văn Đặng tại thôn Phố Hóp, xã Báo Đáp hoạt động đến nay đã mấy chục năm, chủ yếu buôn bán, phân phối thức ăn chăn nuôi. Mỗi tháng bán ra trung bình khoảng 50 tấn thức ăn chăn nuôi, phục vụ nhu cầu chăn nuôi của người dân địa phương và các xã lân cận. Đại lý của ông đã nhập về các loại thức ăn chăn nuôi phù hợp với từng thời kỳ của vật nuôi, đặc biệt là các loại thức ăn chứa nhiều chất dinh dưỡng giúp gia súc, gia cầm ăn vào lớn nhanh, thịt thơm ngon để bán cho các hộ chăn nuôi. Thời gian gần đây, khi nghe thông tin về các loại chất cấm có trong thức ăn chăn nuôi như chất tạo nạc, chất vàng O, thuốc kháng sinh… ông Đặng cũng hết sức lo ngại, không biết trong các sản phẩm nhập về có loại chất cấm nào hay không. Một số khách hàng cũng e ngại và có thắc mắc về các loại chất cấm trong thức ăn chăn nuôi mà đại lý của ông buôn bán. Do đó, ông Đặng đã chủ động liên hệ với đơn vị sản xuất để tìm hiểu và được Công ty VIMARK - Bắc Giang ký cam kết về chất lượng các loại thức ăn chăn nuôi cung cấp cho đại lý của ông. Ông Trần Văn Đặng, chủ đại lý thức ăn chăn nuôi tại xã Báo Đáp chia sẻ: “việc kinh doanh quan trọng nhất là uy tín, chính vì vậy chúng tôi lựa chọn những sản phẩm của các công ty sản xuất cho thương hiệu, đồng thời cam kết với khách hàng về chất lượng sản phẩm thức ăn chăn nuôi mà mình cung ứng”.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 30 cơ sở chăn nuôi lợn quy mô từ 30 con/lứa trở lên, trong đó có hơn 200 cơ sở chăn nuôi hàng hóa từ 100 con/lứa; gần 200 cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô từ 1.000 con/lứa và hàng nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Cùng với đó là hàng trăm đại lý, cửa hàng kinh doanh buôn bán thức ăn chăn nuôi ở khắp các xã, thị trấn trên địa bàn. Qua tìm hiểu, đa phần các trang trại, hộ chăn nuôi, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện nói “không” với chất cấm đã phần nào giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng sản phẩm thịt gia súc, gia cầm được nuôi tại địa phương.
Trấn Yên có hơn 200 cơ sở chăn nuôi lợn hàng hóa từ 100 con/lứa
Tuy nhiên, cũng khó có thể khẳng định hoàn toàn không có hiện tượng sử dụng chất cấm trên địa bàn bởi thực tế chăn nuôi hiện nay chủ yếu vẫn theo hình thức nhỏ lẻ và không phải người chăn nuôi nào cũng nhận biết được mức độ độc hại của các loại chất cấm. Trong khi đó, công tác kiểm tra, kiểm soát của các ngành chức năng còn gặp rất nhiều khó khăn như lực lượng mỏng, không có trang thiết bị cần thiết để kiểm tra và kinh phí để gửi mẫu đi kiểm nghiệm, phân tích cao.
Trước thực trạng này, huyện Trấn Yên đã có những giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại các vùng chăn nuôi trọng điểm trên địa bàn để người dân thực hiện nghiêm túc. Tăng cường kiểm tra giám sát và xử lí các trường hợp vi phạm các quy định trong sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, đồng thời tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Qua đó đã có 100% cơ sở chăn nuôi hàng hóa và hơn 500 hộ dân ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng NN&PTNT Trấn Yên cho biết thêm: “Ngành Nông nghiệp huyện còn tích cực hướng dẫn các cơ sở sản xuất, các trang trại, gia trại, nông hộ tiếp cận và định hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP để tạo ra các sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, đảm bảo vệ sinh môi trường và phát triển chăn nuôi bền vững”.
Các chất cấm được sử dụng với liều cao hơn rất nhiều lần mức cho phép thì hàm lượng tồn dư trong sản phẩm thịt là khá lớn. Khi người ăn phải thịt gia súc, gia cầm có chứa các chất này về lâu dài có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và làm tăng nguy cơ ung thư. Chính vì vậy, để đồng nhất các lợi ích như: lợi nhuận của hộ chăn nuôi, người sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi và sức khỏe người tiêu dùng thì các cấp, các ngành, địa phương, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Trấn Yên nói riêng và ở khắp các địa phương nói chung cần vào cuộc quyết liệt và nói “không” với chất cấm trong chăn nuôi./.