Du khách tìm hiểu thông tin về du lịch tại quầy lễ tân khách sạn Royal.
Thời gian qua, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh chưa có nhiều đổi mới nên hiệu quả chưa cao. Trong khi các DN đã chủ động cung cấp thông tin, tiếp cận du khách thì hoạt động xúc tiến, quảng bá của nhà nước còn thụ động. Thực tế đó đòi hỏi ngành du lịch phải thay đổi cách thức xúc tiến, quảng bá.
CHỦ ĐỘNG CUNG CẤP THÔNG TIN CHO DU KHÁCH
Trong vai du khách, chúng tôi có chuyến khảo sát nhỏ tại một số khách sạn từ 3-5 sao trên địa bàn TP. Vũng Tàu như: Royal, Kỳ Hòa, Mường Thanh, Green, Sammy, Tháng Mười, New Wave, Malibu, Kiều Anh… về thông tin du lịch. Kết quả cho thấy, tại khu vực lễ tân các khách sạn đều có bảng thông tin du lịch hoặc có tờ rơi, tập gấp giới thiệu thông tin du lịch như: tour nội tỉnh, giới thiệu các điểm đến, dịch vụ cho thuê xe, dịch vụ giải trí, các nhà hàng, quán ăn uy tín… Khi khách hỏi, ngoài việc cung cấp các tờ rơi, tập gấp, cẩm nang, nhân viên lễ tân còn giới thiệu hoặc hỗ trợ bằng cách gọi điện thoại đến các nhà cung cấp dịch vụ; đồng thời giải đáp và hướng dẫn khá cặn kẽ cho khách một số thông tin cơ bản về dịch vụ ăn uống, các di tích, danh thắng, các nơi vui chơi, giải trí… Ngoài ra, nhiều khách sạn còn chủ động đặt tờ rơi, tập gấp, cẩm nang du lịch, hướng dẫn các dịch vụ cho du khách ngay tại phòng nghỉ.
Tại khách sạn Royal, 2 vị khách đến từ Nga và Hàn Quốc giơ ngón tay cái bày tỏ sự hài lòng (biểu tượng thích) khi được nhân viên lễ tân giới thiệu về Bạch Dinh, Trận địa pháo cổ Núi Lớn, ngọn hải đăng, Tượng chúa dang tay… Ông Paven, du khách người Nga vui vẻ cho biết: “Qua lễ tân, chúng tôi được biết thêm thông tin khá thú vị về di tích Bạch Dinh - nơi vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của Việt Nam từng nhiều lần đến đây nghỉ mát. Chúng tôi còn biết tượng chúa dang tay trên đỉnh núi Nhỏ đã được xác lập kỷ lục châu Á là “Tượng Chúa Giêsu lớn nhất khu vực châu Á” vào năm 2012. Ngay hôm nay, chúng tôi sẽ đăng ký city tour để tham quan các di tích, danh thắng này”.
Chị Lê Thị Viện, nhân viên lễ tân khách sạn Royal cho biết, khách lưu trú tại khách sạn thường quan tâm các thông tin về dịch vụ du lịch tại địa phương như: ăn uống, điểm tham quan, di tích lịch sử, mua quà lưu niệm… “Là lễ tân, tôi phải tự tìm hiểu thêm thông tin cần thiết, trải nghiệm thực tế các sản phẩm, dịch vụ về điểm đến, quán ăn, nhà hàng để giới thiệu cho khách một cách chính xác nhất”- chị Viện nói. Theo bà Phạm Thị Trà My, Giám đốc khách sạn Royal, hàng năm, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh đều cung cấp tờ rơi, tập gấp, cẩm nang du lịch… bằng tiếng Việt và tiếng Anh, Nga. Các ấn phẩm này khá đầy đủ thông tin nên khách sạn đặt tại quầy lễ tân và cung cấp cho du khách. “Việc cung cấp thông tin đầy đủ sẽ giúp du khách dễ dàng tìm được thông tin cần thiết và chủ động hơn khi muốn lưu lại hoặc tìm điểm tham quan, qua đó kéo dài thời gian lưu trú”, bà Trà My nhận xét.
Công ty du lịch Alpha Travel tổ chức tour famtrip miễn phí cho khách hàng, đối tác tham quan khu căn cứ cách mạng Minh Đạm. Đây là một trong những cách quảng bá du lịch có hiệu quả. Ảnh: ĐỨC NGUYÊN
CẦN THAY ĐỔI CÁCH LÀM
Tại cuộc họp nghe Sở Du lịch báo cáo về chương trình xúc tiến du lịch năm 2017 mới đây, một số ý kiến cho rằng, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch của BR-VT còn nhiều hạn chế so với các địa phương khác. Điều này khiến thông tin về điểm đến BR-VT còn thiếu và chưa được cập nhật ở nhiều nơi, nhất là ở nước ngoài. Bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, tại một số khách sạn ở các thành phố lớn của Nhật Bản, bà thấy có nhiều tài liệu và kênh truyền hình giới thiệu hình ảnh của nhiều điểm đến nổi tiếng trên thế giới nhưng Việt Nam nói chung và BR-VT nói riêng thì không có thông tin gì. “Ngành du lịch cần nghiên cứu đẩy mạnh thông tin, quảng bá hình ảnh du lịch BR-VT ra nước ngoài để thu hút khách quốc tế”, bà Vũ Bích Hảo đề nghị.
Chung quan điểm, bà Trương Thị Hường, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu cũng nhận định, ngành du lịch chưa quan tâm đúng mức đến công tác quảng bá. Các chương trình, nội dung quảng bá còn mờ nhạt, chưa được đầu tư bài bản về nội dung để đánh trúng thị hiếu của từng thị trường khách. “Ngành du lịch cần thực hiện các bộ phim tư liệu giới thiệu các địa danh, điểm đến của tỉnh để cung cấp cho các KDL, khách sạn, resort nhằm giới thiệu, quảng bá đến du khách. Huyện Côn Đảo đã làm rất tốt việc này, còn các địa phương khác chưa làm được”, bà Trương Thị Hường góp ý.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, ngành du lịch phải đổi mới cách thức, nội dung xúc tiến quảng bá du lịch trong nước và nước ngoài theo hướng tập trung, chuyên nghiệp, hiệu quả; tăng cường cung cấp thông tin, quảng bá du lịch, nhất là cho khách du lịch nước ngoài. Trước mắt, Sở Du lịch cần tranh thủ sự hỗ trợ của Tổng cục Du lịch để đưa BR-VT vào tour, tuyến du lịch; tích cực tham gia các hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài như: ITB Berlin (Đức), MITT (Nga), WTM (Anh), KOTFA (Hàn Quốc), JATA (Nhật Bản)…
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch thừa nhận, lâu nay, việc quảng bá du lịch của BR-VT ra nước ngoài chưa có nhiều đổi mới. Theo ông, để thoát khỏi tình trạng này, cần các giải pháp đột phá, trong đó có việc tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch tầm cỡ quốc tế như Hội chợ du lịch quốc tế tại BR-VT, mời các hãng lữ hành, các DN du lịch nổi tiếng, các hãng hàng không uy tín, các nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu thế giới tham dự. Hội chợ sẽ là dịp để các nhà cung cấp dịch vụ du lịch gặp nhau, tìm hiểu về du lịch BR-VT từ đó có kế hoạch đầu tư sản phẩm, kết nối BR-VT với các địa danh khác trên thế giới. Ngoài ra, Sở Du lịch đang thực hiện bản đồ du lịch số; phối hợp Đài PTTH tỉnh thực hiện phim tư liệu quảng bá du lịch; có kế hoạch tham gia các hội chợ quốc tế: Nga, Berlin (Đức)… “Chúng tôi cũng đang xem xét, tính toán xem thị trường nào có nguồn khách tiềm năng, khách truyền thống của BR-VT để quảng bá, xúc tiến du lịch có trọng tâm, trọng điểm nhằm thu hút nhiều khách về địa phương hơn nữa”, ông Trịnh Hàng nói.