Đến hẹn lại lên, năm nào vào dịp tháng 3, theo chân các chuyến công tác của Tỉnh Đoàn, tôi cũng có dịp được đến tham quan, tìm hiểu nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu của đoàn viên, thanh niên tỉnh nhà để tìm tư liệu tuyên truyền về ngày truyền thống của Đoàn 26/3. Năm nay, tôi may mắn được gặp gỡ, trò chuyện với 4 ông chủ trẻ của các trang trại tổng hợp đang “ăn nên làm ra” ở Quảng Bình.
Người đầu tiên mà chúng tôi đã đến thăm là Ngôn Văn Duật, sinh năm 1984, chủ trang trại chăn nuôi gà thả vườn lớn nhất nhì xã miền biển Ngư Thủy Trung, huyện Lệ Thủy.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Ngô Văn Duật cho biết, quê hương Ngư Thủy Trung của anh từ xưa đến nay vốn sinh sống bằng nghề đi biển là chủ yếu. Nhận thấy nguồn diện tích đất pha cát ven biển còn khá dồi dào, những năm qua, anh đã mạnh dạn nhận 350 m2 đất hoang hóa của địa phương để xây dựng mô hình chăn nuôi gà thả vườn. Từ nguồn vay của các tổ chức tín dụng cùng với số vốn tích lũy được của bản thân, hàng năm anh đầu tư khoảng 500 triệu đồng để thả nuôi mỗi năm 3 lứa, mỗi lứa bình quân khoảng 6.000 con gà thịt thương phẩm. Nhờ tích lũy được nhiều kinh nghiệm cũng như có kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật cần thiết, thực hiện nghiêm ngặt các khâu từ chọn giống, tiêm phòng và chăm sóc hàng ngày, đàn gà của gia đình anh thả nuôi đều sinh trưởng tốt, hạn chế được dịch bệnh xảy ra, tỷ lệ hao hụt từng lứa khá ít. Nhờ đó, bình quân mỗi lứa anh xuất bán được khoảng 9 tấn gà thịt thương phẩm, đưa về nguồn thu nhập gần 600 triệu/lứa.
Cùng với phát triển chăn nuôi, hiện nay anh còn phát triển thêm nghề kinh doanh thức ăn gia súc, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động trong vùng với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Mô hình kinh tế của Ngô Văn Duật đã mang lại nguồn lãi gần 400 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh cũng đã tận tình hỗ trợ vốn, con giống, thức ăn, giúp 01 hộ gia đình trong xã thoát nghèo từ nghề chăn nuôi.
Vừa qua, anh Duật được Hội Nông dân tỉnh đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về những thành tích trong phát triển kinh tế nông nghiệp.
Một ông chủ trẻ của trang trại chăn nuôi khác ở Quảng Bình không thể không nhắc đến là anh Đặng Ngọc Anh, sinh năm 1983 tại xã Đức Ninh, thành phố Đồng Hới. Kể về quá trình khởi nghiệp, Đặng Ngọc Anh cho biết, với tổng diện tích trang trại trên 1,5 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ đồng, hàng năm anh thả nuôi 5.000 con gà, vịt, ngan, ngỗng, nuôi 300 con chim bồ câu thương phẩm và xây dựng 4 lò ấp trứng, bình quân mỗi ngày ấp khoảng 2.500 quả trứng gà, vịt các loại cung cấp cho thị trường trong và ngoài thành phố Đồng Hới. Ngoài ra, tận dụng diện tích mặt nước ao hồ, hàng năm anh còn thả nuôi và thu về từ 5 – 7 tấn cá nước ngọt.
Hiện nay, mô hình trang trại của anh đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 9 – 10 lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, trừ các khoản chi phí, Đặng Ngọc Anh còn thu về nguồn lãi được trên 300 triệu đồng.
Ngược lên huyện miền núi Tuyên Hóa, tôi được gặp ông chủ trang trại trẻ Lê Đức Hà, ở xã Văn Hóa. Khi được hỏi về quá trình khởi nghiệp, Lê Đức Hà cho biết, nơi anh sinh sống và khởi nghiệp là một miền quê thuần nông, do vậy từ nhỏ anh và gia đình đã gắn bó nhiều với các công việc chăn nuôi và trồng trọt. Lớn lên, sau khi đã tốt nghiệp phổ thông, Hà không “ly hương” vào các tỉnh miền Nam để kiếm kế sinh nhai như các thanh niên đồng trang lứa, mà anh đã mạnh dạn ở lại quê hương để khởi nghiệp. Với số vốn vay từ các tổ chức tín dụng cùng tiền tích lũy được, anh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để cải tạo 13 ha đầm lầy thụt, không thể trồng lúa để phát triển chăn nuôi. Hiện nay, hàng năm gia đình Lê Đức Hà thả nuôi bình quân 600 con vịt đẻ, 2.000 con cá giống nước ngọt các loại, thả nuôi thêm 5 con trâu đẻ, 9 con lợn nái, đưa về tổng thu nhập khoảng 400 triệu đồng. Trang trại chăn nuôi, nuôi cá nước ngọt của anh đã tạo việc làm cho 3 lao động ở trong vùng, với nguồn thu nhập bình quân từ 3 – 5 triệu đồng/người/tháng.
Với những thành tich đã đạt được phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương, năm 2014, Lê Đức Hà vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình tặng bằng khen. Hiện nay, anh cũng đang tiếp tục được Hội Nông dân tỉnh đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về những thành tích trong phát triển kinh tế nông nghiệp.
Là người sinh sống ở xã miền biển Nhân Trạch, nơi có diện tích nuôi tôm công nghiệp khá lớn ở Bố Trạch, trước đây Hồ Đức Ngọc, sinh năm 1984 cũng đã từng vay vốn ngân hàng đầu tư nuôi tôm trên cát, nhưng đều không cho hiệu quả kinh tế. Đọc báo, nghe đài, xem truyền hình, biết được nghề nuôi cá lóc trên cát trong Quảng Ngãi rất phát triển, cho hiệu quả kinh tế cao, Ngọc quyết định khăn gói vào địa phương này tìm hiểu và học nghề. Nắm vững kỹ thuật nuôi và chăm sóc cá lóc, năm 2008, Ngọc thuê 1.100 m2 đất với giá 2 triệu đồng/năm theo chương trình ưu đãi dành cho thanh niên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương, xây 4 bể với tổng diện tích 200 m2 nằm cách bờ biển chừng vài trăm mét để nuôi cá lóc.
Hiện nay, mô hình nuôi cá lóc trên cát đã đưa về cho gia đình anh nguồn thu nhập khoảng gần 300 triệu đồng/năm.
Với những thành tích nổi bật trong công tác Đoàn và phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi ở nông thôn, năm 2011, Hồ Đức Ngọc vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Giải thưởng Lương Định Của. Anh còn được chọn là 1 trong 12 đại biểu xuất sắc của tuổi trẻ Quảng Bình tham dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, nhiệm kỳ 2012 - 2017 tại Hà Nội.
Tháng 3 về, gặp những gương mặt ông chủ trẻ trong phát triển kinh tế trang trại ở Quảng Bình, chúng tôi có một cảm nhận chung, đó là cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của các cấp, các ngành, nhất là ngành Khuyến nông, Khuyến ngư địa phương và tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp, thì chính sức trẻ với lòng nhiệt huyết, trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng, quyết tâm xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu, đã giúp họ có được sự thành công như ngày hôm nay. Và một điều hết sức đáng ghi nhận, là từ mô hình này, các đoàn viên, thanh niên ở Quảng Bình ngày càng làm lan tỏa và xuất hiện nhiều mô hình kinh tế đang ăn nên làm ra từ lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp…