Mô hình nuôi ong mật của gia đình ông Đàm Văn Khoa, tổ 11B, phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn mỗi năm thu lãi trên 70 triệu đồng từ tiền bán mật và cầu ong giống. Hơn nữa, sản phẩm từ ong mật nhờ có đầu ra ổn định, giá cả thị trường cao đã đem lại cho người nuôi ong mật hiệu quả kinh tế rất lớn.
Trong những năm qua trên địa bàn thành phố Bắc Kạn phong trào nuôi ong lấy mật đã được người dân phát triển mạnh, mang lại thu nhập khá cho người nuôi. Hộ gia đình ông Đàm Văn Khoa, tổ 11b, phường Đức Xuân là một hộ như thế.
Trước đây cũng giống như bao người dân khác, gia đình ông chủ yếu khai thác mật ong từ tự nhiên. Tuy nhiên nguồn lợi từ thiên nhiên ngày càng khan hiếm do con người khai thác quá mức.
Từ thực tế đó, trước những năm 2000 với sự nhiệt huyết và niềm đam mê sâu sắc với nghề, ông Khoa bắt đầu nuôi ong. Ngày đầu, vốn ít, ông nuôi vài thùng ong tại vườn nhà để cải thiện kinh tế gia đình. Giống ong nuôi là giống nội, nhưng sau vài năm nuôi ông nhận thấy ong nội cho thu nhập không cao, nguồn mật ít, chia đàn tự nhiên cao, nhiều bệnh.
Sau đó, qua học tập kinh nghiệm tại các tỉnh bạn cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông tiếp cận được với mô hình nuôi ong ngoại của các tỉnh bạn và trở về địa phương bắt đầu trải nghiệm với giống ong này. Giống ong ông Khoa chọn nuôi là giống ong Ý. Cũng giống như lần nuôi đầu khi mới bắt tay vào nghề nuôi ong ông cũng thử nghiệm vài ba thùng trước để đánh giá khả năng thích ứng của giống ong này với điều kiện tự nhiên trên địa bàn tỉnh, đồng thời so sánh hiệu quả kinh tế giữa 2 giống ong nội và ngoại để có hướng phát triển tiếp theo. Sau vài năm nuôi cùng với quá trình tích lũy kinh nghiệm thực tiễn ông nhận thấy rằng nghề nuôi ong ngoại có nhiều ưu điểm hơn so với ông nội. Cụ thể: thu nhập cao hơn, nguồn mật lớn hơn, ít chia đàn, tích tụ đàn lớn, ít bệnh tật. Tuy nhiên chi phí đầu tư ban đầu cao, phải di chuyển đàn theo nguồn hoa.
Hiện nay, gia đình ông Khoa đang duy trì gần 40 đàn ong ngoại. Theo ông Khoa, một đàn ong mật một năm có thể cho khoảng 20 lít mật, mỗi năm gia đình ông cung cấp cho người tiêu dùng gần 800 lít mật ong, với giá bán 200 nghìn đồng/lít thì sau khi trừ khi phí gia đình ông cũng thu về gần 70 triệu đồng/năm.
Ông Đoàn Văn Khoa đang kiểm tra sự phát triển của đàn ong ngoại
Sau gần 20 năm nuôi ong ngoại hay còn gọi là ong Ý ông đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm. Nói chuyện với chúng tôi ông cho biết, nuôi ong không nặng nhọc, nhưng hàng ngày phải thường xuyên kiểm tra thùng ong để biết đàn ong có lấy được đủ phấn, mật hoa hay hông, ong khỏe mạnh hay có dấu hiệu nhiễm bệnh, cần thường xuyên loại bỏ mũ đực, tìm kiếm nguồn thức ăn cho ong theo mùa bằng cách di chuyển đàn ong tới những nơi có nguồn hoa phong phú để ong lấy đủ thức ăn làm mật. Vì vậy, hàng năm, sau tết Nguyên Đán, đúng vụ vải thiều ra hoa, ông Khoa đưa đàn ong đến huyện Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang để khai thác mật. Khi nguồn hoa vải sắp cạn ông di chuyển đàn đến huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên để thu mật hoa nhãn. Mùa hè, trời nóng bức ông đưa đàn ong về vùng núi Cao Kỳ, huyện Chợ Mới để tận thu các loại hoa rừng. Sang tháng 7 và 8 ông tiếp tục di chuyển đàn ong về đèo gió, huyện Ngân Sơn lấy hoa rừng. Từ tháng 10 đến tháng 2 hàng năm do thời tiết khô lạnh các loại hoa cũng giảm, đàn ong được đưa về nhà để dưỡng ong. Thời kỳ này người nuôi ong phải giữ ấm cho ong và bổ sung đường cho ong ăn để duy trì đàn và giữ con giống.
Với niềm say mê lao động, gia đình ông Đàm Văn Khoa hiện nay đã trở thành một trong những hộ nuôi ong tiêu biểu trên địa bàn thành phố Bắc Kạn. Với những kết quả đã đạt được trong phong trào phát triển sản xuất, ông đã được các cấp hội tặng giấy khen. Ông Khoa xứng đáng là một tấm gương tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế để mọi người dân học tập và làm theo, góp phần thúc đẩy chương trình nông nghiệp, nông thôn tại địa phương./