Con đường nhựa cũ đầy ổ trâu, ổ gà chạy dài từ đê sông Hồng thẳng xuống men qua các ấp, xóm làng đã được Nhà Nước đầu tư mở rộng theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Mặt đường nhựa bê tông phẳng lỳ, tạo dựng hai bên đường những ngôi nhà, biệt thự mới đẹp san sát nhau. Những cánh đồng trồng rau hoa cây cảnh, cây ăn quả một màu xanh tươi sáng bền vững trong sự đổi thay mới, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Làm việc với Hội Nông dân xã, tôi được giới thiệu về anh Chử Văn Phượng ở thôn 2 xã Vạn Phúc – người đã được cấp giấy khen “Người tốt, việc tốt” cấp huyện năm 2010 là gương điển hình làm kinh tế giỏi phát triển kinh tế trang trại tổng hợp ở địa phương. Hôm nay, đúng lịch hẹn, tôi đã gặp được anh.
Đón tiếp tôi tại trang trại, anh tâm sự, sau khi xuất ngũ trở về làm công nhân cơ khí, rồi làm thợ nề song công việc không ổn định, thu nhập thấp, cuộc sống nhiều khó khăn. Năm 2004, anh trúng thầu dự án 1,2 ha khu đất trống làm gạch bỏ hoang, đất khó canh tác của xã Vạn Phúc để phát triển kinh tế trang trại.
Anh Phượng say mê với dự án này, nhiều đêm thức trắng bàn với vợ chuyển đổi từ đất cằn khó canh tác kém hiệu quả sang đào ao nuôi cá, nuôi gia cầm, trên bờ trồng cây ăn quả và chăn nuôi lợn nái, lợn thịt.
Lúc đầu, vợ anh rất ái ngại, sợ không đủ vốn, gãy gánh giữa đường. Vả lại đầu tư tiền của, sức lao động lớn trong khi chưa biết có mang lại hiệu quả kinh tế hay không, lời lãi như thế nào?!
Cuối cùng anh Phượng cũng thuyết phục được vợ con. Anh chị vay mượn được 100 triệu đồng từ bạn bè, thân hữu để làm vốn. Chưa đầy 6 tháng, anh Phượng đã xây xong khu chuồng chăn nuôi lợn tại vườn có diện tích 100 m2 theo đúng mô hình hướng dẫn của Viện Chăn nuôi và nhập nuôi 5 lợn nái tiêu chuẩn hết 50 triệu đồng. Được Phòng Kinh tế huyện, UBND xã hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng trang trại và Trạm Khuyến nông huyện tư vấn khoa học kỹ thuật giống cây trồng vật nuôi nên anh chị rất vui, có khí thế và niềm tin ngay từ những ngày đầu.
Năm 2008 là thời gian khó khăn nhất đối với anh do trang trại gặp trận mưa lớn nhất trong lịch sử ở Hà Nội. Trang trại của anh, cây cối đổ rạp ngổn ngang, quả rụng đầy gốc, ao nuôi nước ngập tràn bờ cá thả bơi đi gần hết, gia súc, gia cầm chết la liệt, thiệt hại nặng nề ước tính hơn 500 triệu đồng. Vợ chồng anh nặng trĩu tiếc nuối bao tháng ngày vất vả giờ thì thành “công cốc dã tràng”.
Tuy nhiên, bản chất người lính, người thợ, không chịu khuất phục trước những khó khăn, anh đã tự tìm hiểu và học hỏi bạn bè đi trước, tham dự các lớp học, hội thảo khoa học kỹ thuật của khuyến nông để đúc rút kinh nghiệm cho bản thân, chủ động thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi con giống mới “biến rủi thành may”, anh chị quyết tâm cải tạo lại trang trại. Bên cạnh đó, anh cũng được Trạm Khuyến nông huyện tạo điều kiện thuận lợi cho vay 250 triệu đồng từ nguồn vốn quỹ ưu đãi của Thành phố để phát triển kinh tế trang trại.
Năm 2009 - 2010, việc tiêu thụ lợn thịt xuất chuồng có trọng lượng 55-70kg rất thuận lợi và được giá thành cao do lợn nuôi thịt tại gia đình anh cho ăn bằng thức ăn nguyên liệu địa phương hàng ngày kết hợp với cám đậm đặc phối trộn ở giai đoạn cuối chuẩn bị xuất chuồng. Do vậy, lợn thịt của gia đình anh được các thương lái thu mua rất ưa chuộng và tiêu thụ hết ngay.Tận dụng đồng vốn vay, anh cải tạo mở rộng 3 dãy chuồng lợn: một dãy nuôi 10 con lợn nái rộng 150m2, hai dãy chuồng nuôi 70 con lợn thịt, đưa tổng số đàn lợn lên xấp xỉ 150 đầu con. Ngoài ra còn một dãy chuồng nuôi vịt, ngan ngỗng và gà ta thả vườn với số lượng vài trăm con trong chuồng.
Diện tích trồng cây ăn quả 3000m2, anh đã qui hoạch trồng 200 cây bưởi Diễn. Bưởi trồng hợp đất đai thổ nhưỡng cùng với chăm sóc tốt đã cho khai thác hiệu quả từ năm thứ 7, dáng quả mẫu mã đẹp, múi ngọt thơm không khác mấy so với giống bưởi Diễn gốc. Mỗi năm, cho thu hoạch từ 30- 50 quả một cây đem lại giá trị kinh tế 200 triệu đồng. Song song với bưởi, anh trồng xen kẽ 150 gốc đu đủ Đài Loan, cũng cho thu nhập thêm từ 30- 40 triệu đồng một năm. Trên bờ ao thửa vườn anh trồng hàng trăm gốc chuối ta, các giống táo Hưng Yên, mít Thái Lan và ổi Đông Dư đều cho thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng. Tổng giá trị kinh tế vườn cây ăn quả tại trang trại anh mỗi năm cho thu nhập khoảng 300- 400 triệu đồng.
Mải vui câu chuyện, anh sực nhớ cho cá ăn dưới ao và dẫn tôi đến ao cá có diện tích mặt nước 9000m2 được chia ra làm hai ao riêng biệt. Một ao chuyên để ương bán cung cấp cá giống và một ao chuyên nuôi cá thịt. Anh Phượng ngắt nắm cỏ non xanh như rau cùng với thân chuối thái nát nhỏ ném xuống nước, đàn cá nổi lên khua vây, đớp khí quyện vào nắng trông như những thỏi bạc trắng.
Anh cho biết, anh thả giống cá rô phi đơn tính Đài Loan, cá trắm chép Trung Quốc. Cá sinh trưởng nhanh. Cá bố mẹ thường to từ 8 đến 9 lạng. Trắm chép cũng to từ 4 – 5kg. Nuôi cá lãi hơn nuôi lợn, thức ăn chủ yếu là ngô xay bột, cỏ rau xanh trộn lẫn với cám công nghiệp.
Anh Phượng chia sẻ anh thích nuôi cá rô phi đơn tính Đài Loan bởi giống cá này phát triển nhanh, mỗi năm thu hoạch hai lứa vào giữa năm và cuối năm. Các loại cá như: trắm cỏ, chép lai, mè hoa… đầy năm mới thu hoạch. Khi kéo lưới, dân buôn cá tứ phương đến mua chật bờ.
Chia sẻ về hiệu quả của việc nuôi lợn, nuôi cá, anh khiêm tốn trả lời: “Trang trại của anh bước đầu có hiệu quả, có lãi nhưng thực là vẫn chưa được nhiều, được cao đâu em ạ. Trong xã cũng có mấy hộ nuôi lợn nái, lợn thịt nhưng đều dừng chân tại chỗ, không phát triển mạnh được. Nguyên nhân do tản mạn đồng vốn, không tận dụng thời điểm, tận dụng nguyên liệu thức ăn địa phương và thiếu quyết tâm. Làm kinh tế dễ mà khó em ạ. Anh ước tính năm 2012 – 2014, tiền lãi từ lợn và cá bình quân được 500 triệu mỗi năm. Năm 2016 đã phát triển 900 triệu đồng do thuận lợi giá bán nhích lên”.
- Dự kiến năm tới trang trại của anh phát triển thế nào? Tôi tò mò hỏi.
Anh Phượng im lặng vẻ suy nghĩ rồi nói giọng khẳng định:
- Anh còn ham lắm, chưa muốn dừng chân tại chỗ. Anh sẽ sử dụng đồng vốn lãi thu được thật hiệu quả để mở rộng qui mô trang trại và chuyên canh một số giống cây
Năm 2016, Anh Phượng được tặng giấy khen của Ủy ban nhân dân huyện, của Hội Nông dân thành phố Hà Nội về phát triển kinh tế trang trại. Đó cũng là nguồn động viên giúp anh vững bước trên con đường phát triển kinh tế gia đình. Anh là người dám nghĩ, dám làm, đánh thức tiềm năng của cánh đồng khô bỏ hoang để làm ra thịt, ra cá, quả ngon chất lượng làm giàu cho quê hương, đất nước. Những cánh đồng của Vạn Phúc đã bao năm hoang sơ cằn cỗi, bây giờ thực sự là một màu xanh tươi sắc bền vững.